Tối 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Phát biểu tại buổi hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục đưa quan hệ hai Đảng, hai nước ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thực chất, toàn diện, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh chuyến thăm nhằm thực hiện nhận thức chung mà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đạt được trong thời gian qua, trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, đạt được nhiều thành quả thực chất hơn nữa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ trân trọng những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt – Trung; đánh giá cao sự quan tâm, ủng hộ của Thủ tướng Lý Cường đối với việc thúc đẩy quan hệ hai nước, cũng như sự phối hợp hiệu quả, kịp thời của hai Thủ tướng và Chính phủ hai nước.
Tại buổi hội kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Lý Cường nhất trí duy trì trao đổi cấp cao và các cấp thường xuyên; thúc đẩy đồng bộ, hiệu quả trên các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân.
Đồng thời, thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cùng nhau ứng phó có hiệu quả với những thách thức an ninh phi truyền thống; nâng cao hiệu quả các cơ chế hiện có giữa hai nước và mở rộng triển khai tốt các cơ chế mới.
Hai bên nhất trí tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương hai nước triển khai quyết liệt các chính sách, biện pháp để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất thu được nhiều thành quả to lớn hơn, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, duy trì thương mại biên giới thông suốt, triển khai xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh; tăng cường kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong đó ưu tiên thúc đẩy hợp tác kết nối đường sắt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước và người dân hai nước.
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tăng cường mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam; ủng hộ Việt Nam mở các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ, chuỗi cung ứng sản xuất, phát triển xanh, chuyển đổi số… Hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025, hai bên nhất trí cùng phối hợp tổ chức tốt các hoạt động trong “Năm giao lưu nhân văn Việt – Trung”, nỗ lực thúc đẩy đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới theo định hướng “6 hơn”.
Liên quan đến vấn đề trên biển, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên thực hiện nghiêm nhận thức chung cấp cao; chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng; tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.
Thời gian qua, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc phát triển tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực tiếp tục đạt tiến triển mới, ngày càng sâu sắc, toàn diện và thực chất.
Về thương mại, Việt Nam duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc xét theo tiêu chí quốc gia (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Nga).
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD (giảm 2,6%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,2 tỷ USD (tăng 5,6%), nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 110,6 tỷ USD (giảm 6,6%), Việt Nam nhập siêu 49,4 tỷ USD (giảm 18,4%).
Trong 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 130,78 tỷ USD (tăng 25%). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 38,28 tỷ USD (tăng 3,9%); nhập khẩu 92,5 tỷ USD (tăng 34,25%), nhập siêu 54,2 tỷ USD, vượt gần 5 tỷ USD so với mức nhập siêu từ Trung Quốc trong cả năm 2023.
Về đầu tư, năm 2023, đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt 4,47 tỷ USD với 707 dự án, là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam về số vốn đăng ký và lớn nhất về số lượng dự án.
Trong 8 tháng năm nay, Trung Quốc đứng thứ 3 với số vốn đăng ký đạt gần 1,7 tỷ USD, nhưng đứng đầu về số dự án cấp mới với 662 dự án.
Lũy kế hết tháng 8/2024, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 29 tỷ USD, đứng thứ 6/148 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 4.865 dự án. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh thành Việt Nam.
Về du lịch, sau thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, năm 2023, Việt Nam đã đón 1,75 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam (sau Hàn Quốc với 3,6 triệu lượt).
Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón 2,4 triệu lượt khách Trung Quốc vào Việt Nam, chiếm 21,4% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đứng thứ 2 sau Hàn Quốc.