Nghiên cứu nhà máy năng lượng 65 triệu USD tại Quảng Ninh

Quảng Ninh – Dự án nhà máy năng lượng sinh khối 40MW đang được nhà đầu tư nghiên cứu để phục hồi kinh tế và cải thiện môi trường tại tỉnh này.

Người dân tận thu cây keo gãy đổ do bão Yagi tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

Sau bão Yagi, ngành Lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh thiệt hại nặng nề với gần 120.000 ha (trong tổng số 434.000 ha rừng và đất lâm nghiệp), ước tính tổng thiệt hại gần 6.000 tỉ đồng.

Hàng chục nghìn người dân, đặc biệt là những hộ gia đình vừa thoát nghèo, đang đứng trước nguy cơ tái nghèo do mất nguồn thu nhập từ rừng.

Để nhanh chóng phục hồi kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu, tham vấn chuyên gia và kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm tham gia tái thiết, hồi sinh rừng. Ưu tiên hàng đầu là phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và chống chịu thiên tai.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc làm việc với Công ty YNC Hàn Quốc (chuyên sản xuất thiết bị tự động hóa trong các lĩnh vực logistics, công nghiệp bán dẫn, hiển thị và pin) để thảo luận về cơ hội đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp và công nghệ môi trường.

Công ty YNC mong muốn triển khai nhiều dự án, trong đó có Nhà máy năng lượng sinh khối 40MW với tổng mức đầu tư 65 triệu USD và Nhà máy sản xuất thiết bị giảm phát thải nhà kính EID đối với phương tiện vận tải, công suất 10 triệu thiết bị/năm, tổng mức đầu tư dự kiến 80 triệu USD.

Tại cuộc làm việc, phía doanh nghiệp cũng đề xuất trồng cây tre sinh khối để thay thế cho các cây lâm nghiệp giá trị kinh tế thấp. Tính theo chu kỳ sinh trưởng, cây tre liên tục tái sinh, không cần phải trồng lại, 17 năm liên tục đều có sản phẩm khai thác. Trong 2 năm đầu, người dân có thể xen canh các loại cây màu nhằm lấy ngắn nuôi dài, có thể thu măng để bán thương phẩm. Từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm khoản thu từ măng và tre thương phẩm ít nhất cũng khoảng gần 100 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây keo trừ các chi phí, 5 năm chỉ thu được 50-60 triệu/ha

Rừng keo gãy đổ sau bão Yagi. Ảnh: Đoàn Hưng

Cây tre sinh khối có khả năng hấp thụ CO2 gấp 4 lần và cải thiện chất lượng không khí. Hệ thống rễ khỏe của cây giúp giữ đất, tránh sạt lở và tái sinh nhanh chóng sau thiên tai. Theo các chuyên gia, hiện nay là thời điểm thuận lợi để phát triển tre sinh khối, với giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với cây keo.

Theo Báo Lao Động