Những năm qua, công tác phát triển quan hệ đối tác luôn được ngành Hải quan đặc biệt quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành; được thực hiện ở cả 3 cấp tổng cục, cấp cục và chi cục với 4 nhóm giải pháp lớn: thông tin, tham vấn, tham gia, hợp tác. Thực tiễn cho thấy, việc triển khai các giải pháp phát triển quan hệ đối tác mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp.
Thực hiện 846 lượt hải quan tham vấn doanh nghiệp
Chia sẻ tại Diễn đàn Thuế – Hải quan 2024 do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức chiều 16/10, ông Đặng Thanh Dũng – Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, những kết quả trong công tác phát triển đối tác của ngành Hải quan đã được Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Cụ thể, về thông tin, ngành Hải quan đã triển khai bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau đến người khai hải quan, doanh nghiệp như đăng tải nội dung mới các văn bản pháp luật trên Cổng thông tin điện tử hải quan, qua báo đài, tạp chí hay thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn, hướng dẫn, giải đáp trực tiếp hoặc bằng văn bản, điện thoại; đường dây nóng; viber, zalo, gặp trực tiếp… để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Đặng Thanh Dũng tham luận tại Diễn đàn Thuế – Hải quan 2024. Ảnh: Đức Minh. |
Công tác tham vấn cũng được chú trọng thực hiện, theo đó các dự thảo văn bản pháp luật sửa đổi, bổ sung đã được tổ chức tham vấn, lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp qua nhiều lượt, dưới nhiều hình thức khác nhau, như: lấy ý kiến rộng rãi trên cổng thông tin điện tử hải quan, qua VCCI, qua các hiệp hội doanh nghiệp, qua các nhóm doanh nghiệp chịu tác động lớn từ sự thay đổi chính sách. Các cuộc tham vấn cũng được quan tâm tổ chức tập trung theo nhóm vấn đề. Năm 2023, toàn ngành đã thực hiện 846 lượt hải quan tham vấn doanh nghiệp.
Tại các cục hải quan, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm và triển khai thống nhất từ cấp cục tới chi cục, tổ/đội và cán bộ công chức.
Các Tổ tư vấn; Tổ giải đáp vướng mắc; Tổ hỗ trợ cơ chế, chính sách, thủ tục, đồng hành cùng doanh nghiệp; Tổ hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ… được thành lập nhằm kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Các hình thức hỗ trợ được tiến hành đa dạng, linh hoạt như: Tổ chức các hội nghị đối thoại, làm việc trực tiếp, kết hợp trực tuyến; triển khai hiệu quả đường dây nóng, zalo, viber, email.
Trung bình hàng năm, các đơn vị trong ngành đã tổ chức hàng trăm hội nghị đối thoại Hải quan – Doanh nghiệp, xử lý hàng chục ngàn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các kênh giám sát được thực hiện như: đường dây nóng, hòm thư góp ý, số điện thoại của lãnh đạo cục và các chi cục, tiếp nhận phản ánh kiến nghị từ doanh nghiệp qua các kênh thông tin trực tiếp tại trụ sở, gửi văn bản, qua điện thoại.
Diễn đàn Thuế – Hải quan năm 2024 thu hút 250 doanh nghiệp tham gia. Ảnh: Đức Minh. |
Đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền
Trong thời gian tới, theo đại diện Tổng cục Hải quan, công tác phát triển quan hệ đối tác cần phải được tiến hành phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đảm bảo ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu; phấn đấu để đạt được các mục tiêu liên quan đề ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030.
Theo đó, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh việc thông tin các quy định pháp luật, quy trình thủ tục hải quan, thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mới được ban hành và các chương trình, đề án cải cách hiện đại hóa trọng điểm của ngành Hải quan; các điều ước, cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam tham gia tới cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền đảm bảo phù hợp với đặc điểm loại hình doanh nghiệp và đặc thù địa bàn quản lý; ứng dụng công nghệ số vào công tác thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cơ quan hải quan cũng sẽ thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các hội nghị đối thoại; đưa hoạt động đối thoại đi vào chiều sâu và trở thành công cụ để giải quyết bất đồng, xung đột của doanh nghiệp.
Đồng thời, chú trọng tổ chức hội nghị theo chuyên đề, tập trung vào các vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, kết hợp với cơ quan địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp tham gia phối hợp tổ chức trên tinh thần hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.
Tổng cục Hải quan đã chủ trì ký văn bản thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp trên cơ sở đề xuất của các đơn vị căn cứ vào quá trình hợp tác, năng lực, uy tín của Hiệp hội doanh nghiệp. Các đơn vị tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác với Hiệp hội doanh nghiệp trên cơ sở nội dung thỏa thuận hợp tác đã ký./.