Nhiều ứng viên được Shopee mời làm việc “hụt”. Động thái này diễn ra sau các đợt cắt giảm việc làm gần đây khác tại công ty mẹ của Shopee…
Các nguồn tin cho biết, công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á Shopee đã hủy bỏ hàng chục lời mời làm việc trong hai tuần qua, mặc dù trước đó Shopee đã thông qua các quá trình phỏng vấn và tuyển dụng, gửi thư mời làm việc cho các ứng viên. Theo trang Channelnewsasia, đây là động thái bắt đầu ngay sau khi công ty mẹ Sea báo cáo khoản lỗ ngày càng lớn và tăng trưởng doanh thu chậm lại.
Có ít nhất bốn người cho biết họ nhận được thông báo hủy chỉ vài ngày trước khi họ chính thức đầu quân cho Shopee theo lời mời trước đó. Đây là 4 người đã tham gia vào một nhóm WeChat gồm khoảng 60 người, nhóm này được thành lập để thảo luận về việc Shopee rút lại lời mời làm việc.
Một kỹ sư 27 tuổi cho biết cuộc gọi của Shopee đến với anh ta một tuần sau khi anh đã đến Singapore để chuẩn bị làm việc cho Shopee theo kế hoạch. Trước đó, anh đã nghỉ việc ở TikTok Bytedance tại Thượng Hải.
“Tôi nghĩ đó là một cuộc gọi lừa đảo … cho đến khi tôi nhận ra Shopee đang thực hiện cuộc hủy bỏ diện rộng”, người này nói và cho biết đã trả một khoản tiền tạm ứng để thuê nhà tại Singapore.
Sea có trụ sở tại Singapore cho biết gần đây họ đã hủy một số lời mời tuyển dụng tại Shopee nhưng từ chối cho biết số lượng.
“Do có sự điều chỉnh về kế hoạch tuyển dụng đối với một số nhóm công nghệ, một số vai trò tại Shopee không còn nữa. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng”, đại diện công ty cho biết.
Động thái này diễn ra sau các đợt cắt giảm việc làm gần đây khác tại Sea. Các nhân viên tại Booyah !, một ứng dụng phát trực tiếp trò chơi, thuộc đơn vị trò chơi của Sea, Garena, đã được thông báo rằng họ sẽ bị sa thải và ứng dụng sẽ không còn được cập nhật nữa, các dự án tại đơn vị phát triển của Sea cũng đã tắt.
Đầu năm nay, truyền thông cũng cho biết Shopee đã giảm số lượng người dùng ở Đông Nam Á, Mexico và Mỹ Latinh. Shopee từ chối bình luận về những báo cáo đó.
Gần đây nhất vào tháng 3, Sea cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Shopee, công ty cạnh tranh với Lazada, chi nhánh Đông Nam Á của Alibaba Group Holding, và sự tăng trưởng của đơn vị này vẫn là tiêu chí hàng đầu.
Nhưng tháng trước, Sea đã rút lại dự báo thương mại điện tử trong năm. Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Forrest Li lưu ý thị trường ngày càng bất ổn và nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên lợi nhuận và hiệu quả. Sea báo cáo khoản lỗ ròng 931 triệu USD trong quý 2, cao hơn gấp đôi so với mức lỗ của cùng kỳ năm trước đó.
Ke Yan, nhà phân tích hàng đầu của DZT Research có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Chưa bao giờ giọng điệu của họ lại bi quan hơn”.
Ông nói, việc Sea xử lý đợt hủy bỏ lời mời làm việc sau khi đã gửi thư đồng ý đến các ứng viên rất “đáng xấu hổ” và có khả năng làm tổn hại danh tiếng của công ty.
Sea đã chứng kiến giá trị thị trường của mình tăng vọt lên hơn 200 tỷ USD vào tháng 10 năm ngoái khi đơn vị Garena của họ trở nên nổi tiếng trong đại dịch. Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty đã sụt giảm kể từ đó và hiện chỉ trị giá 27 tỷ USD.
Cơ quan quản lý nhân lực Singapore cho biết các nhà chức trách liên quan đã nhận được thông tin khiếu nại về Shopee và đang liên hệ với công ty để tìm hiểu thêm, nhưng họ cũng cho biết trong những tình huống như vậy, các bên nên tìm ra giải pháp hữu nghị một cách thiện chí.
Bốn người nói ở trên cho biết, Shopee đã đề nghị trả một tháng lương và trong trường hợp có người bay từ nước ngoài, Shopee sẽ hoàn lại chi phí vé máy bay và chỗ ở tạm thời.
Dù vậy, nhóm thảo luận của những ứng viên được mời làm việc “hụt” đã thảo luận đến việc sẽ có những hành động pháp lý. Một số người khác quan tâm nhất đến việc tìm kiếm công việc mới.
“Chi phí khởi kiện quá cao. Tôi chỉ muốn tiếp tục và tìm một công việc mới”. Cũng có người cho biết muốn tiếp tục tìm việc tại Singapore, bởi vì chi phí quay lại Trung Quốc quá lớn, rất khó tìm được một công việc mới tại Trung Quốc hiện nay.
Theo vneconomy