Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế quy mô lớn về Halal

Chiều nay (22/10), hội nghị về ngành Halal với quy mô lớn nhất được tổ chức tại Hà Nội, lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Halal, có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam.

Thị trường Halal toàn cầu dự kiến đạt 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. (Ảnh: VGP)

Hội nghị dự kiến thu hút sự tham dự đông đảo của hơn 500 đại biểu trong và ngoài nước tham dự trực tiếp và trực tuyến, trong đó có lãnh đạo các bộ, ngành, và 50 tỉnh, thành phố, cùng hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, một số chức sắc Hồi giáo Việt Nam.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện của 50 nước, các tổ chức khu vực, quốc tế bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, hầu hết đều là cấp đứng đầu các cơ quan quản lý Halal quốc tế, khu vực và các nước, cùng các doanh nghiệp quốc tế uy tín trong lĩnh vực Halal; các đại sứ và đại diện đại sứ quán các nước Hồi giáo/thị trường Halal quan trọng và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Hội nghị dự kiến tập trung vào các nội dung để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal của các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế; Cơ hội và các đề xuất hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành Halal, mở cửa thị trường đối với sản phẩm Halal Việt Nam; và tiềm năng, định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam và địa phương.

Hội nghị cũng sẽ thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết các thỏa thuận/MOU hợp tác về Halal giữa các cơ quan, địa phương của Việt Nam với một số đối tác Halal tiềm năng, quan trọng.

Nhân dịp này, Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia và Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam sẽ ra mắt.

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự báo chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt 1,67 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là cơ hội lớn để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến vào thị trường Halal nếu có chiến lược phát triển đúng hướng.

Theo Luật Hồi giáo, tất cả các nguồn thực phẩm đều hợp pháp ngoại trừ từ những loài động vật hoặc sản phẩm động vật bị cấm.

Một số sản phẩm đặc biệt đạt chuẩn Halal là sữa (bò, cừu, lạc đà, dê), mật ong, cá, rau tươi hoặc hoa quả khô; các loại hạt như đậu phộng, hạt điều, hạt phỉ; các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, lúa mạch…

Trên thế giới hiện có khoảng hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi. Thị trường thực phẩm Halal có những đòi hỏi riêng và rất khắt khe. Thực phẩm sử dụng hằng ngày của người theo đạo Hồi phải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal.

Theo Báo Tiền Phong