Số liệu về thách thức an ninh mạng đối với các công ty công nghiệp nặng, có cơ sở hạ tầng phân tán trên nhiều khu vực địa lý chỉ ra một thực tế đáng báo động.
Theo số liệu được Kaspersky đưa ra ngày 22.10 dựa trên việc khảo sát rộng rãi về an ninh mạng trên toàn thế giới cho thấy, 45% công ty phải đối mặt với việc thường xuyên gặp phải các sự cố mạng vài lần mỗi tháng, chỉ có 12% gặp sự cố mạng một lần/năm hoặc ít hơn.
Các công ty công nghiệp nặng thường hoạt động trên nhiều địa điểm, với hệ thống cơ sở hạ tầng phân tán bao gồm các nhà máy sản xuất, văn phòng chi nhánh, trung tâm nghiên cứu và các cơ sở hậu cần khác.
Đặc điểm phân tán về mặt địa lý dẫn đến nhiều thách thức như: Khó khăn về hậu cần, rào cản trong giao tiếp, trở ngại trong việc phối hợp hoạt động, duy trì tiêu chuẩn chất lượng nhất quán và đảm bảo tuân thủ quy định của chính quyền địa phương.
Bên cạnh những thách thức kể trên, các công ty công nghiệp nặng có cơ sở hạ tầng phân tán còn thường xuyên gặp phải các vấn đề về an ninh mạng và quản lý hạ tầng công nghệ thông tin.
Theo báo cáo “Quản lý các doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng phân tán về mặt địa lý: Thách thức và giải pháp” của Kaspersky, 49% công ty sản xuất cho biết thách thức lớn nhất là phát hiện và ứng phó hiệu quả với sự cố an ninh mạng. Bên cạnh đó, việc giám sát thực hiện các biện pháp bảo mật (46%) và xây dựng một chính sách bảo mật thống nhất (42%) cũng được nhận định là bài toán khó.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, sự cố mạng phát sinh tại các công ty công nghiệp nặng thường dẫn đến thiệt hại về sản xuất, tổn thất tài chính và rủi ro ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty.
Để giảm thiểu rủi ro gặp sự cố mạng và bảo vệ toàn diện tài sản cùng quy trình sản xuất tại công ty công nghiệp, các chuyên gia an ninh mạng đã đưa ra khuyến nghị sử dụng giải pháp bảo mật cho công nghệ vận hành (OT XDR) như KICS.
Giải pháp này có thể hỗ trợ 100 điểm giám sát, cung cấp các tùy chọn không giới hạn cho phép doanh nghiệp xây dựng hệ thống mạng được quản lý bằng phần mềm giữa các chi nhánh trong công ty.
Đối với doanh nghiệp cần quản lý tập trung mạng lưới trên một giao diện duy nhất, giải pháp SD-WAN là lựa chọn lý tưởng. Giải pháp này tích hợp và quản lý đồng bộ các kênh truyền thông và chức năng mạng khác nhau trên toàn bộ hệ thống mạng của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa hoạt động của ứng dụng, hỗ trợ xây dựng hệ thống mạng ổn định và duy trì hoạt động hiệu quả tại tất cả các cơ sở kinh doanh phân tán tại nhiều khu vực địa lý khác nhau.
Các doanh nghiệp cũng có thể kết hợp 2 giải pháp để có thể mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ mạng và ưu tiên lưu lượng cho Hệ thống điều khiển công nghiệp (ICS) và Hệ thống giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA).