Ngân hàng tiếp tục là điểm sáng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó nhiều nhà băng dẫn đầu lượng phát hành trên toàn thị trường.
Ghi nhận trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, hoạt động huy động vốn từ thị trường này đã tích cực trở lại với tổng giá trị trái phiếu phát hành tăng mạnh. Theo Fiin Ratings, tổng giá trị phát hành 9 tháng đầu năm đạt 313.600 tỉ đồng, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, nhóm các tổ chức tín dụng, ngân hàng là điểm sáng của thị trường, nhiều ngân hàng đã huy động hàng chục nghìn tỉ qua kênh này.
Những cái tên dẫn đầu lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm tới nay phải kể đến như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBANK), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB),…
Theo dữ liệu từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính từ đầu năm đến nay, Techcombank đã có 14 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng, với tổng khối lượng phát hành đạt 31.700 tỉ đồng, mức cao nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Đáng chú ý, con số này được Techcombank huy động chỉ trong vòng 6 tháng, với 14 lô trái phiếu được phát hành từ tháng 4.2024 đến nay. Hầu hết các lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm, chỉ 1 lô kỳ hạn 2 năm; đáo hạn vào 2026 và 2027; lãi suất cố định ở mức 3,7% – 5,4%.
Kế đến là HDBank với tổng giá trị phát hành từ đầu năm đến nay đạt 22.100 tỉ đồng, thông qua 19 đợt phát hành trái phiếu. Kỳ hạn trái phiếu HDBank phần lớn là 2-3 năm và 7-8 năm. HDBank là một trong những ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất trong nhóm trái phiếu ngân hàng, nhiều lô trái phiếu có lãi suất cố định trên 7%/năm, cao nhất lên đến 7,8%/năm.
OCB cũng là một trong những ngân hàng có lượng trái phiếu phát hành lớn trong năm nay với tổng giá trị phát hành tính từ đầu năm 2024 đến nay đạt 21.800 tỉ đồng, thông qua 19 đợt phát hành. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất ở mức 4,9%-5,6%/năm.
Tương tự đối với ACB, nhà băng này đã có 10 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng, với tổng khối lượng phát hành đạt 17.840 tỉ đồng.
Con số này được ACB huy động chỉ trong vòng 4 tháng, với 10 lô trái phiếu được phát hành từ tháng 6.2024 đến nay. Phần lớn các lô trái phiếu có kỳ hạn 2-3 năm, hai lô trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định ở mức 4,5%-6,1%/năm. Trong đó, một số lô trái phiếu giá trị lên tới 5.000 tỉ đồng như: ACBL2426002, ACBL2426001.
Ngoài ngân hàng, bất động sản là nhóm ngành có khối lượng trái phiếu phát hành lớn thứ hai thị trường, tuy nhiên tình hình phát hành trái phiếu nhóm này vẫn khá ảm đạm so với giai đoạn trước năm 2022.
Đối với các ngân hàng, việc phát hành trái phiếu giúp nhà băng đảm bảo được nguồn vốn trung dài hạn, qua đó đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn. Các chuyên gia dự báo nhóm các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn, đáp ứng nhu cầu cho vay.
Nhìn chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần tăng nhiệt với khối lượng phát hàng tăng trở lại. Tuy nhiên, xét theo nhóm ngành, trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa có sự phục hồi rõ rệt từ nhóm tổ chức phát hành phi tài chính trong thời gian vừa qua.