Công nghiệp hỗ trợ: Nhiều năm phát triển vẫn yếu kém

Sau hàng chục năm phát triển, đến nay công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam vẫn còn rất sơ khai.

Nhiều năm yếu kém

Theo số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có hơn 377 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô. Trong số này có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; có 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe và có 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Số lượng nhà cung cấp linh kiện cấp 1 của Việt Nam chưa tới 100 doanh nghiệp, còn nhà cung cấp cấp 2 và 3 chưa tới 150 doanh nghiệp.

Sản xuất cốp xe Kia Canival tại Công ty ô tô Trường Hải tại Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. (1)
Sản xuất cốp xe Kia Canival tại Công ty ô tô Trường Hải tại Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp. Những sản phẩm đã được nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghệ rất thấp, hoặc cồng kềnh cần nhiều nhân công như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa… tổng cộng có 287 chi tiết, cụm chi tiết, đạt tỷ lệ khoảng 20%.

Khoảng 80% còn lại, trong đó có các chi tiết, linh kiện chính của ô tô về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, Việt Nam đang phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 – 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ô tô, chủ yếu là các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Sau hàng chục năm phát triển đến nay công nghiệp hỗ trợ ô tô vẫn ở giai đoạn 1, gọi là giai đoạn duy trì. So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đạt tỷ lệ nội địa hóa 65-70%, thì Việt Nam vẫn còn rất sơ khai.

Một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ kém phát triển là do quy mô thị trường ô tô còn nhỏ bé, dẫn đến sản xuất nhỏ, khó phát triển chuỗi cung ứng. Quy mô thị trường ô tô Việt Nam năm 2022 đạt hơn 500.000 xe các loại, trong đó sản lượng xe trong nước đạt gần 440.000 xe nhưng từ 2023 đến nay giảm xuống chỉ còn hơn 400.000 xe/năm và sản lượng xe trong nước còn hơn 340.000 xe/năm. Không những thế, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc giá rẻ ngày càng tràn vào nhiều, khiến ô tô trong nước giảm sản lượng. Sản lượng giảm đã gây khó khăn cho công nghiệp hỗ trợ. Trong khi ngành công nghiệp hỗ trợ cần một thị trường ô tô đủ lớn, để tiêu thụ linh kiện phụ tùng và tổng thành.

Cần chính sách hiệu quả

TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết, để có thể đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, cần khuyến khích, phát triển thị trường ô tô trong nước, thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ lâu dài và đủ mạnh về thuế, phí… Điều này nhằm kích thích tiêu dùng, hướng tới đạt mục tiêu từ 1 triệu xe trở lên vào năm 2030, đảm bảo quy mô thị trường đủ sức hấp dẫn, để thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần xây dựng, định hướng các chính sách phát triển ngành ô tô mang tầm dài hạn, đảm bảo thực thi có hiệu quả. Đảm bảo từng bước nâng dần tỉ lệ xe sản xuất trong nước và định hướng đẩy mạnh xuất khẩu.

cnht1.jpg
Hiện chỉ có 287 chi tiết, cụm chi tiết ô tô, được nội địa hóa, đạt tỷ lệ khoảng 20%.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải cho rằng, để đầu tư công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi sản lượng lớn và công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có chiến lược rõ ràng đối với công nghiệp hỗ trợ. Xu hướng chuyển đổi sang xe xanh là tất yếu, chúng ta nói nhiều về chip bán dẫn, công nghệ mới, về tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lại chưa có những chính sách khuyến khích cụ thể. Chính phủ cần xem xét vấn đề này, đây là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (Quảng Ninh) hiện đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục xây dựng cuối cùng, đã sẵn sàng để đi vào chạy thử từ cuối năm 2024 và vận hành thương mại từ đầu năm 2025. Cùng với đó, tổ hợp công nghiệp ô tô và hỗ trợ Thành Công Việt Hưng cũng bắt đầu hình thành. Sản xuất ô tô là ngành kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi đầu tư lớn, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù để tạo cơ hội phát triển.

Hiện Việt Nam đã hình thành 5 cụm công nghiệp ô tô lớn tại: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam và TP Hồ Chí Minh; sắp tới sẽ có thêm Quảng Ninh và Thái Bình. Cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi một hệ thống chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá, để đầu tư vào xe xanh. Chính sách phải huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong nước; phải thúc đẩy liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới; phải chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp để tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp