Kinh tế TP.HCM duy trì đà tăng trưởng tích cực

Các chỉ số về sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn TP.HCM 11 tháng đầu năm 2024 duy trì đà tăng trưởng tích cực, với mức tăng trưởng từ 7,1 – 9,2%; trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 8,2%…

Giải ngân vốn đầu tư công đang tiếp tục là bài toán khó của TP.HCM khi năm 2024 đã sắp qua.

Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2024, trong đó ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của kinh tế Thành phố, đặc biệt vào những tháng cuối năm.

SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố tháng 11/2024 tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực; trong đó IIP ước tăng 9,7% so cùng kỳ và tính chung 11 tháng năm 2024 tăng 7,1%.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, IIP ước tăng 7,1% so cùng kỳ. Trong đó, khai khoáng tăng 43,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,0%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,4%.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, tính chung 11 tháng năm 2024 có 21/30 ngành ước tính tăng so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tăng cao như: In, sao chép bản ghi các loại tăng 25,4%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 22,3%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 18,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và sản xuất hóa chất, sản phẩm hoá chất đều tăng 11,8%.

Bốn ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số sản xuất 11 tháng tăng 4,4% so cùng kỳ và thấp hơn 2,7 điểm phần trăm so với IIP toàn ngành công nghiệp. Bao gồm: Hóa dược tăng 14,9%; chế biến lương thực, thực phẩm tăng 2,9%; sản xuất hàng điện tử tăng 2,4%; cơ khí giảm 3,8%.

Đối với 3 ngành công nghiệp truyền thống, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2024 tăng 2,1% so cùng kỳ. Chia ra: Ngành sản xuất trang phục tăng 3,2%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,4%; ngành dệt tăng 0,4%.

Sản xuất công nghiệp TP.HCM tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, ghi nhận  11 tháng năm 2024 tăng 9,9% so cùng kỳ; trong đó có 14/23 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng, 9/23 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm. Một số ngành tăng cao như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 32,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 22,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 13,6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,3%.

ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Giải ngân vốn đầu tư công đang tiếp tục là bài toán khó của TP.HCM khi năm 2024 đã sắp qua, nhưng công tác giải ngân các dự án, công trình trọng điểm vẫn rất thấp, rất chậm, đạt gần 30%.

Tính đến hết tháng 11/2024, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện giảm 3,3% so cùng kỳ. Trong đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 11/2024 đạt 5.704,3 tỷ đồng, tăng 17,8% so với tháng trước và giảm 9,9% so cùng kỳ. Cụ thể, vốn ngân sách cấp thành phố quản lý ước thực hiện 5.699,2 tỷ đồng, giảm 9,3% so cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 5,1 tỷ đồng, bằng 11,2% so với cùng kỳ (do kế hoạch vốn từ ngân sách cấp huyện năm 2024 chỉ bằng 16,8% năm 2023).

Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 40.655,4 tỷ đồng, giảm 3,3% so với kỳ. Trong đó, vốn ngân sách cấp thành phố quản lý ước thực hiện 40.603,3 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 52,1 tỷ đồng, bằng 13,2% so với cùng kỳ, đạt 46,3% kế hoạch cấp huyện. Tính đến hết ngày 29/11/2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã giải ngân là 19.723,4 tỷ đồng, đạt 24,9% kế hoạch vốn năm 2024.

Trước đó, trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 10 tháng đầu năm 2024 tại phiên họp thường kỳ vào đầu tháng 10, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố cho biết trong 10 tháng, Thành phố giải ngân 17.200 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 22% trong tổng nguồn vốn đầu tư công 79.200 được giao của năm 2024, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Trong số 63.000 tỷ đồng còn lại, có 32.000 tỷ đồng dùng cho nhóm các dự án cần giải phóng mặt bằng.

Cục Thống kê Thành phố cũng nhận định rằng đến nay Thành phố đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, do tiến độ giải ngân vẫn còn rất thấp đã làm ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng chung của Thành phố.

KÍCH CẦU TIÊU DÙNG VÀ BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM

 

TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, tăng cường công tác bình ổn thị trường vào dịp mua sắm cuối năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 năm 2024 ước đạt 111.653 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 13,0% so cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.091.466 tỷ đồng, tăng 10,4% so cùng kỳ.

Về doanh thu bán lẻ hàng hóa, tính chung 11 tháng năm 2024 ước đạt 514.478 tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ. Các nhóm có mức tăng cao như lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 10,4%; ô tô các loại tăng 15,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 11,5%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 10,6%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 17,4%.

TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường cuối năm.  

Về doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, tính chung 11 tháng ước đạt 122.983 tỷ đồng và tăng 9,4% so cùng kỳ; trong đó, lưu trú tăng 25,2% và dịch vụ ăn uống tăng 7,3%.

Thời điểm cuối năm là mùa du lịch, nên doanh thu dịch vụ lữ hành cũng ghi nhận tăng trưởng rất tích cực. Cụ thể, tính chung 11 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 35.895 tỷ đồng và tăng 45,6% so cùng kỳ. Riêng tháng 11/2024, doanh thu ước đạt 3.020 tỷ đồng, giảm 7,8% so với tháng 10 nhưng tăng 13,3% so cùng kỳ. Ngành du lịch cũng ghi nhận số lượng khách quốc tế đến TP.HCM trong tháng 11 ước đạt 674,8 nghìn lượt, tăng 37,5% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng năm 2024 ước đạt 5,33 triệu lượt, tăng 15,6%.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, báo cáo gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu toàn thành phố tháng 11/20024 ước đạt 3,698 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 41,67 tỷ USD, tăng 8,2% so với kỳ 2023. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 11/2024 ước đạt 6,078 tỷ USD, tăng 5,7% so tháng trước, lũy kế 11 tháng năm 2024 ước đạt 55,79 tỷ USD, tăng 10,6%.

Cũng theo Sở Công Thương, tình hình phát triển của ngành chế biến lương thực thực phẩm trong tháng 11/2024 là khả quan do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong những tháng cận tết của người dân.

Theo VnEconomy.