Mới đây, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra yêu cầu đối với các đơn vị liên quan và trực thuộc, từ nay đến cuối năm phải chuẩn hóa sản phẩm đầu ra của nông sản.
Lý do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra yêu cầu trên không chỉ nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường về sản phẩm đầu ra của ngành nông nghiệp, mà còn góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng kinh doanh gian lận, lợi dụng nhãn mác được chứng nhận bởi các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, HACCP) để trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn đưa vào các siêu thị để tiêu thụ (ví dụ rau không đủ tiêu chuẩn an toàn dán nhãn VietGAP tại TP.HCM mới đây đã bị báo chí phanh phui).
TS. Nguyễn Minh Đức – Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về sự đảm bảo chất lượng, an toàn đối với nông sản, thực phẩm. Chuẩn hóa sản xuất, kinh doanh nông sản là một đòi hỏi cấp thiết. Theo đó nông sản, thực phẩm cần phải được sản xuất, kinh doanh theo những phương thức hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn cho phép về mặt kỹ thuật, đảm bảo sản phẩm lưu thông an toàn, chất lượng tốt. Cần tăng cường áp dụng và tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, qua đó góp phần giúp nông sản của Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường trong nước và xuất ra nước ngoài.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có những bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm áp dụng cho sản xuất nông nghiệp như ISO, GMP, HACCP, VietGAP, GlobalGAP… Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành khá chi tiết bộ quy chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, việc áp dụng VietGAP cũng như áp dụng các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp trong thực tiễn còn chưa được phổ biến rộng rãi, thậm chí nhiều nơi áp dụng mang tính phong trào, đối phó. Công tác quản lý, giám sát tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn đã ban hành của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, thậm chí thả lỏng.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, việc quản lý chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được chứng nhận VietGAP đưa ra thị trường chưa làm tốt.
Để góp phần chuẩn hóa nông sản một cách thực chất, theo TS. Nguyễn Minh Đức, cần xây dựng những tiêu chuẩn riêng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm phù hợp, đơn giản để dễ tuân thủ, dễ thực hiện. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các tiêu chuẩn và sự cần thiết áp dụng tiêu chuẩn trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đến nông dân, các đơn vị sản xuất nông nghiệp, người kinh doanh nông sản cũng như toàn xã hội.
Nhận thức của nông dân về quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế nên sự kết hợp và trợ giúp từ các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản là cần thiết. Doanh nghiệp có thể xây dựng mô hình liên kết với nông dân dựa trên hệ thống quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất ngay từ khâu giống, các yếu tố đầu vào, áp dụng các bộ tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cho từng loại sản phẩm. Tập huấn, hướng dẫn cho nông dân thực hiện tốt các quy trình, tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, đáp ứng tốt đòi hỏi về khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm soát về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…
Muốn chuẩn hóa đầu ra đối với nông sản, công tác quản lý, giám sát sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn đã chứng nhận phải được tăng cường, kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh vi phạm, sai sót. Cần phải xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng nhãn mác nông sản đã được chứng nhận theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn để trà trộn kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo yêu cầu nhằm thu lợi bất chính.
Theo Doanhnhansaigon