Nhờ liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông hộ, các sản phẩm nông sản sạch của Lâm Đồng đã có đầu ra ổn định.
Tỉnh Lâm Đồng, có lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhất là các loại nông sản rau củ quả, cây ăn trái… Về chất lượng nông sản, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn VietGAP, cơ quan quản lý nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên giám sát, lấy mẫu kiểm tra hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác.
Theo đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh có 165 chuỗi sản xuất an toàn thực phẩm từ sản xuất đến thu gom, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 ha chứng nhận VietGAP, ngoài ra có chứng nhận hữu cơ, chứng nhận sản xuất bền vững.
Điển hình một số doanh nghiệp, hợp tác xã rau củ ở tỉnh Lâm Đồng, đang đang liên kết với hộ nông dân, cung ứng số lượng lớn rau củ bình ổn cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ như: Công ty TNHH SXTM nông sản Phong Thúy (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), công ty Thảo Nguyên Farm, được xem là một trong những cơ sở sản xuất rau lớn nhất tại Đức Trọng, chuyên cung cấp rau củ cho hệ thống siêu thị Co.opmart, cửa hàng tiện lợi và Lotte Mart…
Ông Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc công ty TNHH Nông sản Phong Thúy, cho biết: doanh nghiệp ông đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên điện tích hơn 130 ha rau củ quả và 70 ha diện tích, hợp tác liên kết sản xuất với hơn 30 hộ nông dân. Hiện Phong Thúy cung cấp ra thị trường mỗi ngày hơn 10 tấn rau củ quả các loại gồm: cà chua, khoai tây, ớt ngọt, đậu các loại, su su, dưa chuột, bí… gần 100 mã hàng hóa sản phẩm khác nhau, trong đó, trên 80% sản lượng sản lượng rau đến siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh như Co.opmart, Lotte Mart… và 10-15% xuất khẩu. “Do quản lý chất lượng tốt nên doanh nghiệp xuất khẩu đặt hàng xuất sang các nước khó tính như châu Âu, Nhật Bản” – ông Phong cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc công ty TNHH nông sản thực phẩm Thảo Nguyên, cũng cung cấp cho hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi chia sẻ, công ty ông liên kết với 27 hộ dân, tổng diện tích hơn 70 ha và trang trại của công ty Thảo Nguyên (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm đồng) có 20 ha, tất cả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và dùng phân bón hữu cơ. Định kỳ công ty gửi mẫu rau củ đi phân tích định tính định lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số chỉ tiêu trên mẫu đất, nước theo quy định. Ngoài ra, đột xuất các siêu thị như Co.opmart… cũng đến kiểm tra ngẫu nhiên để đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Có thể thấy, việc liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp an toàn hiện nay, vừa truy suất được nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, ổn định giá cả nông sản, đồng thời xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Theo Congthuong