Vừa báo lãi tăng, doanh nghiệp dệt may lại lo thiếu đơn hàng

Những nỗ lực tăng năng suất và cắt giảm chi phí đã giúp các DN dệt may giảm bớt tác động tiêu cực của tình hình lạm phát tại các thị trường xuất khẩu. Nhưng trong quý 4, bức tranh đang kém sắc khi lượng đơn hàng đang sụt giảm mạnh cùng sự cạnh tranh gay gắt về giá.

Lượng đơn hàng quý 4 hiện rất thấp do tình hình tồn kho cao tại các thị trường xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nhiều doanh nghiệp báo lãi

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex đã đưa ra 3 kịch bản dự báo về tình hình xuất khẩu dệt may năm 2023. Theo đó, kịch bản tốt sẽ là 6 tháng đầu năm 2023 bình quân xuất khẩu như quý 4/2022, 6 tháng cuối năm đạt bình quân như 8 tháng đầu năm 2022; kịch bản trung bình (cơ sở) sẽ là 9 tháng bình quân xuất khẩu như quý 4/2022, còn quý 4/2023 đơn hàng trở lại như 8 tháng đầu năm 2022; kịch bản xấu là cả năm 2023 đơn hàng chỉ bình quân xuất khẩu như 4 tháng cuối năm 2022.

Mùa báo cáo tài chính quý 3/2022 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của nhiều DN dệt may. Điển hình như Tổng công ty May 10, lãi ròng hợp nhất quý 3/2022 đạt 25 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng, May 10 báo lãi 75 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với 9 tháng năm 2021. Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ tăng do thị trường thế giới và trong nước hồi phục sau dịch Covid-19, các đơn hàng xuất khẩu FOB tăng. Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu chiếm trên 91% doanh thu và do biến động tăng của tỷ giá nên doanh thu về lãi chênh lệch tỷ giá trong kỳ cũng tăng. Doanh nghiệp tập trung quản trị hệ thống nên tiết kiệm được chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng lợi nhuận.

Tương tự, lãi ròng quý 3/2022 của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng tăng trưởng 25% so với quý 3/2022, đạt 106 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đạt 231 tỷ đồng, tăng trưởng 37%. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG, việc bổ sung máy móc thiết bị tự động cùng với việc kiểm soát sản xuất theo mốc giờ đến từng người lao động đã giúp năng suất lao động tăng cao. Bên cạnh đó, việc ứng dụng triệt để phần mềm trong công tác điều hành sản xuất và kiểm soát chuẩn bị sản xuất, máy móc thiết bị, các điều kiện trước khi sản xuất cũng giúp tăng năng suất lao động. Theo đó, tỷ lệ giá vốn hàng bán quý 3/2022 giảm 0,76% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, số lượng đơn hàng lớn cùng với nhu cầu mua hàng cũng như tình trạng khan hiếm container đã được cải thiện, hàng hóa xuất khẩu không còn bị ách tắc ở cảng đã giúp doanh thu quý 3/2022 tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM), lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 đạt 92 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 2,5 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng, TCM lãi ròng 221 tỷ đồng, tăng 87%. TCM cho biết, tình hình thị trường xuất khẩu dệt may không thuận lợi trong tháng 9 vừa qua do bị ảnh hưởng tình hình lạm phát và tồn kho nhiều tại các thị trường xuất khẩu dẫn đến đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm cộng với chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí logistic tăng trong 9 tháng đầu năm 2022. Nhưng các giải pháp tăng năng suất và cắt giảm chi phí đã mang lại kết quả kinh doanh khả quan cho TCM.

Trong khi đó, lãi ròng quý 3/2022 của Công ty CP Sợi Thế Kỷ (STK) sụt giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt 50 tỷ đồng; lãi ròng 9 tháng đạt 197 tỷ đồng, giảm 3%. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm đến từ khoản lỗ tỷ giá trong quý 3/2022 do mua nguyên liệu đầu vào và thanh toán ngắn hạn bằng USD.

Nỗi lo đơn hàng, tỷ giá

Dù kết quả 9 tháng đạt được khá tích cực, song các DN dự báo tình hình quý 4 sẽ nhiều khó khăn. Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong quý 4/2022, bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó giá bông bước vào mùa vụ mới với sản lượng tăng nhưng mức tiêu thụ là yếu tố hỗ trợ giá giảm. Nhu cầu sợi và giá bán vẫn ở mức thấp, đến tháng 10, các DN mới chỉ có đơn hàng đạt khoảng 50%-70% năng lực, tháng 11, tháng 12 chưa có đơn hàng. Thị trường sợi dự kiến cũng tiếp tục khó khăn, cầu chưa có dấu hiệu cải thiện, giá xơ năm 2022 tăng cao theo biến động của giá dầu và giá bông. Ngành may cũng dự báo sẽ khó khăn hơn do thời điểm cuối vụ hàng phục vụ mùa Đông, chuẩn bị hàng cho mùa Xuân. Đơn hàng của hầu hết các đơn vị may cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá…

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt đã chỉ ra một số rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của STK. Cụ thể, việc hàng tồn kho tăng cao của các khách hàng trong chuỗi giá trị làm trầm trọng thêm tác động của nhu cầu cuối lên doanh số bán hàng may mặc. Các tác động càng rõ nét trong trường hợp của STK – một nhà sản xuất nguyên liệu thượng nguồn. Trong khi đó, sợi tái chế, đặc biệt là sợi tái chế cao cấp, tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng khác nhưng doanh số bán hàng quý 3/2022 vẫn chỉ ở mức đi ngang so với quý 2 và chênh lệch giá (giá bán sợi – giá hạt PET đầu vào) tăng 8% so với quý trước, lên mức đỉnh mới. Trong khi đó, mảng sợi nguyên sinh ghi nhận lỗ ròng do mức giảm khoảng 13% so với quý trước cả về sản lượng bán và chênh lệch giá.

Trong quý 4/2022, STK đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế gần như đi ngang so với quý 3. Ban lãnh đạo dự kiến sẽ mất vài tháng trước khi khách hàng tiêu thụ hết hàng tồn kho và doanh số bán hàng của STK có thể phục hồi sau đó.

Dự báo về năm 2023, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức thấp, cận kề với trạng thái khủng hoảng, lạm phát tiếp tục cao và tiếp tục chính sách lãi suất cao, do đó khả năng tổng cầu dệt may không tăng thậm chí giảm về mức giữa 2020-2021. Theo ông Trường, phải đến quý 3- 4/2023 mới có thể có sự phục hồi tương ứng với mức giảm của lạm phát. Trong bối cảnh đó, đồng VND mạnh tiếp tục là trở ngại trong so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh. Cùng với đó lãi suất VND cao, lương tối thiểu cao hơn các quốc gia cạnh tranh là trở ngại trong thu hút các đơn hàng giá rẻ.

Theo HQ Online