Agribank tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, chủ lực trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội…
Ngân hàng chủ lực trong phát triển tam nông
Trong suốt hành trình gần 35 năm gắn với sứ mệnh tam nông, Agribank luôn kiên định và vững vàng với vai trò chủ lực trên thị trường này. Minh chứng là ngân hàng luôn dành trên 65% tổng dư nợ cho phát triển tam nông – chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Việc dành nguồn lực vốn đầu tư lớn là nền tảng giúp ngân hàng triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Bắt đầu từ 11 xã được chọn thí điểm vào cuối năm 2011 với dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới vào thời điểm đó mới chỉ 336 tỷ đồng và khoảng 8.000 khách hàng, đến nay, dư nợ đã đạt trên 600.000 tỷ đồng, với hơn 2,1 triệu khách hàng và Agribank hiện là ngân hàng duy nhất triển khai cho vay xây dựng NTM đến 100% số xã trong cả nước.
Để đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn vốn, dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, người dân, doanh nghiệp, ngân hàng đã chủ động nghiên cứu, triển khai nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp thực tiễn hoạt động để cùng hệ thống chính trị triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Điển hình là việc Agribank ký kết thỏa thuận với Trung ương Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, phát triển trên 69.000 tổ vay vốn, triển khai ngân hàng lưu động bằng ô tô chuyên dùng đưa vốn và trên 200 dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ người dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, trở thành những người nông dân hiện đại, đóng góp xây dựng nông thôn văn minh.
Về xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp những gương mặt rạng ngời, thân thiện. Đi khắp mọi nẻo đường điều dễ thấy nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, thôn nào cũng có những con đường rực rỡ sắc hoa.
“Nếu không có nguồn vốn của Agribank thì bây giờ bộ mặt của Tam Quan không được như thế này”, ông Dương Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc khẳng định.
Kể về hành trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, ông Tuyến cho hay, được sự hỗ trợ của Agribank, thu nhập của người dân địa phương đến nay đã đạt mức bình quân 40 triệu đồng/năm, trong khi trước năm 2020, mới chỉ đạt trên dưới 30 triệu đồng. Cũng từ việc sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ngân hàng, người dân đã có thể xây nhà mới, góp sức xây dựng các công trình công cộng, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.
Ngọc Mỹ, xã miền núi của huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc về đích nông thôn mới vào năm 2018 cũng có đóng góp không nhỏ của dòng vốn tín dụng. Ông Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ nói, nhờ sự quan tâm của Agribank, bà con tiếp cận được nhiều gói vay ưu đãi lãi suất. Đến nay xã có tổng dư nợ 111 tỷ đồng, tương ứng trên 500 hộ dân. Sau khi tiếp cận với nguồn vốn, bà con đã đầu tư chăn nuôi bài bản, hiệu quả; không phát sinh nợ quá hạn trên địa bàn. Hiện thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đã đạt 40 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 50 triệu đồng.
“Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt, được hưởng thụ nhiều hơn”, ông Tuấn khẳng định.
Cũng như vậy, nhiều vùng miền trong cả nước đã thực sự “thay da đổi thịt” khi đạt chuẩn nông thôn mới. Đến với xã Tứ Xã, chúng tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của vùng đất phía Nam huyện Lâm Thao, Phú Thọ này.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ, xác định chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích cực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy có hiệu quả vai trò chủ thể của người dân, tập trung mọi nguồn lực đầu tư và thực hiện. Chỉ sau 4 năm triển khai, xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
“Sự phát triển này có đóng góp lớn của ngành Ngân hàng. Đặc biệt, thông qua tiếp cận vốn Agribank, người dân được hưởng lợi nhiều, có nguồn vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu”, ông Toàn nhấn mạnh và cho biết thêm, nhờ dòng vốn ngân hàng mà cơ cấu kinh tế của điạ phương cũng đã chuyển dịch mạnh mẽ. Hiện, dịch vụ thương mại chiếm khoảng 40%, công nghiệp xây dựng 30%, còn lại tỷ trọng nông nghiệp 24-25%. Hàng năm kinh tế địa phương tăng trưởng 9-10%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 chỉ còn 1,6%.
Góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng nông thôn mới
Có thể nói, Agribank luôn có những đóng góp xuất sắc vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân khu vực nông thôn. Qua đó, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo bền vững tại Việt Nam đưa phong trào xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn so với thời gian mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra và kế hoạch Quốc hội giao.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025. Về phía ngành Ngân hàng, NHNN đã ban hành văn bản triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Chương trình hướng đến mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Phấn đấu cả nước có khoảng 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Phát huy vai trò chủ lực của NHTM chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mới đây Agribank đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng, đặc biệt là khách hàng trên địa bàn nông thôn; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn, công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi đối với khách hàng trong tiếp cận vốn… Chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thực hiện Chương trình, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; cho vay đối với các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (OCOP).
Qua đó, Agribank tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, chủ lực trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Quyết tâm cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021-2025, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng luôn chủ động sẵn sàng các giải pháp để củng cố, tăng cường vị trí truyền thống, kiên định sứ mệnh tam nông; ưu tiên nguồn lực phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo Thoibaonganhang