Nếu cơ quan chức năng chú ý đến phản ánh của báo chí về cung cách làm ăn của FLC thì liệu lãnh đạo tập đoàn này có tiếp tục phạm tội?
Ngày 09/01/2014 báo điện tử Vietnamnet.vn đăng bài “Bà Lan Vạn Thịnh Phát trong lời khai Dương Chí Dũng”, bài viết có đoạn:
“Chiều ngày 8/1, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự “Làm lộ bí mật nhà nước” do xuất hiện tình tiết tại tòa về danh tính người mật báo cho Dương Chí Dũng thông tin sắp bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ngoài ra Hội đồng xét xử còn đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội có yêu cầu đề nghị đối với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao điều tra hành vi nhận 500.000 USD và 20 tỉ đồng của một cán bộ cấp cao để thực hiện dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.HCM); nếu đủ căn cứ phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. [1]
Sau khi bài báo được đăng, các đối tượng liên quan đến số tiền khủng nêu trên đều không lên tiếng. Về phía truyền thông, cho đến nay, hình như không có bất kỳ phản ứng hoặc giải thích nào từ tất cả các bên liên quan được báo chí đăng tải.
Gần chục năm đã trôi qua, câu trả lời cho vấn đề mà Vietnamnet.vn đề cập vẫn còn bỏ ngỏ.
“Hồ sơ Panama” là vụ rò rỉ tài liệu thuộc loại lớn nhất trong lịch sử thế giới do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố vào năm 2016, hồ sơ đã tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Trong “Hồ sơ Panama có tên hai người giống tên cặp vợ chồng lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric. [2]
Nếu người có tên Truong My Lan trong Hồ sơ Panama đúng là “Bà Lan Vạn Thịnh Phát” – như cách gọi của Vietnamnet.vn – thì ba câu hỏi phải đặt ra là:
Thứ nhất, bao nhiêu tiền mà “người giàu có và quyền lực” này đã chuyển ra nước ngoài, tính tới cuối tháng 12/2015?
Thứ hai, ngoài các địa chỉ trong Hồ sơ Panama, người có tên nêu trên còn chuyển ra nước ngoài bao nhiêu tiền, đó là những nước nào?
Thứ ba, số tiền chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam là hợp pháp hay bất hợp pháp?
Bốn năm sau khi Vietnamnet.vn đăng bài báo [1], ngày 09/10/2018, Tạp chí Đầu tư Tài chính – Vietnamfinance.vn – đăng bài “TP. HCM siết chuyển nhượng dự án bất động sản sau ‘điển hình’ Vạn Thịnh Phát”, bài báo viết:
“Điển hình ở thành phố Hồ Chí Minh cho việc buông lỏng quản lý trong việc đấu giá, chọn nhà đầu tư là hàng loạt dự án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Cụ thể, Vạn Thịnh Phát đang có hàng chục khu đất vàng tại TP. HCM nhưng nằm bất động, sau vài năm lại chuyển nhượng kiếm lời”. [3]
Sau thông tin của Vietnamfinance.vn, phải mất thêm bốn năm nữa, đến năm 2022 mới thấy những điều báo chí đề cập có hồi âm từ cơ quan chức năng.
Ngược lại với cách phản ứng của “Bà Lan Vạn Thịnh Phát”, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết (FLC) chọn cách khởi kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (Giaoduc.net.vn) ra Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy – Hà Nội vì các bài viết của báo này liên quan đến chuyện “FLC chây ì không chịu trả khoản nợ hàng trăm tỷ đồng” cho Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình.
Ngày 30/09/2019, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử công khai. FLC đã đưa đến Tòa 6 luật sư bảo vệ quyền lợi trong khi đại diện cho báo Giaoduc.net.vn là một vị Phó Tổng biên tập.
Bản án sơ thẩm tuyên báo Giaoduc.net.vn thua kiện, một trong những lý do Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy viện dẫn được Báo điện tử Vnexpress.net (thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ) tường thuật:
“Tòa cho rằng báo không tuân theo tôn chỉ mục đích, giấy phép; vi phạm Luật Báo chí khi viết bài có nội dung FLC chây ì trả nợ đối tác (Công ty Hòa Bình)”. [4]
Ngày 15/05/2020, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện dân sự giữa FLC với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam). Phiên tòa được mở do phía bị đơn là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam kháng cáo.
Kết quả là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội xử thua FLC.
Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh (Plo.vn), Cơ quan chủ quản là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tường thuật:
“Cục Báo chí từng có quyết định xử phạt đối với tạp chí (Giáo dục Việt Nam – NV); bài báo “Doanh nghiệp tố FLC chây ì nợ hàng trăm tỉ đồng” không liên quan tới lĩnh vực giáo dục như tôn chỉ, mục đích của tạp chí… Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, y án sơ thẩm”. [5]
Trước khi vụ kiện này diễn ra, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh về các vấn đề liên quan đến FLC như:
“Định giá FLC 9 tỷ USD có phải là chiêu trò “thổi giá”?” [6]
“Ủy ban chứng khoán có dễ dãi trước hành vi bán chui cổ phiếu của chủ tịch FLC?” [7]
“FLC xin hàng nghìn hec ta ở Quảng Ngãi để làm dự án thật hay giữ đất?” [8]
Trong hai vụ việc của Vạn Thịnh Phát và FLC, dù cách xử lý của các đối tượng liên quan và của cơ quan chức năng có khác nhau nhưng “giấy không thể gói được lửa”, kết quả dành cho lãnh đạo hai tập đoàn này lại hoàn toàn giống nhau.
Tỷ phú Trương Mỹ Lan, người đứng đầu Vạn Thịnh Phát và một số cộng sự đã bị bắt tạm giam chờ ngày ra tòa, trước đó ông chủ của FLC là Trịnh Văn Quyết cùng một số họ hàng, cộng sự cũng đã ngồi sau song sắt.
Sau khi hai người nêu trên bị khởi tố, bị bắt tạm giam, ngay lập tức hàng loạt thông tin thuộc loại “thâm cung bí sử” về FLC, Vạn Thịnh Phát đã được công bố trên nhiều tờ báo.
“Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết lừa đảo chiếm đoạt hơn 6.400 tỉ đồng”. [9]
“Phó Tổng Giám đốc FLC Faros giúp sức Trịnh Văn Quyết lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. [10]
“Nhiều người mua đất các dự án của FLC ở Quảng Ngãi kêu cứu”. [11]
………..
Các bài báo xuất hiện nhanh và nhiều chứng tỏ báo chí không thiếu thông tin. Vấn đề là vì sao thông tin chỉ được công bố sau khi đối tượng bị bắt? Có phải việc lựa chọn thời điểm cho mỗi “trận đánh” nhằm “bảo toàn lực lượng” là yếu tố hàng đầu bởi nhiều người không quên câu chuyện của báo Giaoduc.net.vn.
Không thấy báo chí nêu tên bị can Trịnh Văn Quyết trong “Hồ sơ Panama” không có nghĩa là có thể khẳng định người này và thân tín không cất giữ tài sản ở nước ngoài.
Việc đấu giá lần đầu một vài tài sản thế chấp tại ngân hàng (du thuyền, xe sang) của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thất bại (vì không có người mua) là điều hiển nhiên vì “chẳng ai dại đi rước của nợ về nhà”, và món nợ xấu này phải chăng cuối cùng sẽ được các ngân hàng bán tống bán tháo để vớt vát được chừng nào hay chừng nấy?
Dẫu sao ngân hàng còn có cái để bán trừ nợ, những “người dân mua đất các dự án của FLC ở Quảng Ngãi kêu cứu” thì bao giờ mới đòi được đồng tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt của mình?
Liên quan đến Vạn Thịnh Phát, thống kê cho thấy riêng trên địa bàn Hà Nội đã có 762 công ty nằm trong diện bị “đóng băng” tài sản do các đơn vị này thuộc sở hữu của các bị can, cá nhân, công ty có liên quan vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. [12]
Vậy trên cả nước, số đơn vị, cá nhân liên quan đến Vạn Thịnh Phát sẽ là bao nhiêu?
Nếu vụ việc dính đến Vạn Thịnh Phát được xử lý ngay từ năm 2014 – khi Vietnamnet.vn đăng bài báo [1] – thì số công ty bị đóng băng tài sản trên địa bàn Hà Nội có lên đến con số 762?
Nếu cơ quan chức năng chú ý đến phản ánh của báo chí về cung cách làm ăn của FLC thì liệu lãnh đạo tập đoàn này có tiếp tục phạm tội?
Các cơ quan bảo vệ pháp luật kể cả công an cũng khó xây dựng được lực lượng đông đảo, tinh thông nghiệp vụ “săn tin” như đội quân báo chí.
Bằng sự nhạy bén nghề nghiệp và lực lượng trải đều khắp mọi địa bản, việc báo chí dự báo các hoạt động bất thường trong kinh doanh của doanh nghiệp là điều thường diễn ra.
Vậy nên phòng, chống sự cấu kết của một số doanh nghiệp với cán bộ thoái hóa, biến chất luôn cần sự chung tay của báo chí.
Vấn đề cần đặt ra là khi báo chí đã phản ánh nhưng cơ quan chức năng không xử lý khiến xảy ra hậu quả lớn thì ai phải chịu trách nhiệm?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/ba-lan-van-thinh-phat-trong-loi-khai-duong-chi-dung-157196.html
[2]https://thesaigontimes.vn/de-che-bi-an-van-thinh-phat-voi-loat-du-an-ti-do-la-tren-dat-vang/
[3] https://vietnamfinance.vn/tp-hcm-siet-chuyen-nhuong-du-an-bat-dong-san-sau-dien-hinh-van-thinh-phat-20180504224214116.htm
[4]https://vnexpress.net/tap-doan-flc-thang-kien-bao-dien-tu-giao-duc-viet-nam-3989695.html
[5] https://plo.vn/flc-thang-kien-tap-chi-dien-tu-giao-duc-viet-nam-post575736.html
[6]https://giaoduc.net.vn/dinh-gia-flc-9-ty-usd-co-phai-la-chieu-tro-thoi-gia-post180473.gd
[7]https://giaoduc.net.vn/uy-ban-chung-khoan-co-de-dai-truoc-hanh-vi-ban-chui-co-phieu-cua-chu-tich-flc-post182212.gd
[8]https://giaoduc.net.vn/flc-xin-hang-nghin-hec-ta-o-quang-ngai-de-lam-du-an-that-hay-giu-dat-post185613.gd
[9]https://laodong.vn/phap-luat/cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-lua-dao-chiem-doat-hon-6400-ti-dong-1092231.ldo
[10]https://baochinhphu.vn/pho-tong-giam-doc-flc-faros-giup-suc-trinh-van-quyet-lua-dao-chiem-doat-tai-san-102220912211625311.htm
[11]https://cand.com.vn/Ban-doc-cand/nhieu-nguoi-mua-dat-cac-du-an-cua-flc-o-quang-ngai-keu-cuu-i654179/
[12] https://nld.com.vn/thoi-su/dong-bang-tai-san-gan-800-cong-ty-lien-quan-van-thinh-phat-20221103102208492.htm#:~:text=Li%C3%AAn%20quan%20%C4%91%E1%BA%BFn%20%C4%
Theo GDVN