Có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe, thế nhưng loại hình du lịch này vẫn còn khá khiêm tốn và chưa xứng với tiềm năng của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 12.11, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế 2022 với chủ đề “Du lịch chăm sóc sức khỏe ở tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Chưa xứng tiềm năng
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, ở Việt Nam, du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch khá mới mẻ, chỉ bắt đầu phát triển trong vài năm trở lại đây và được đánh giá phù hợp, có tiềm năng. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe tại nước ta chưa thực sự hấp dẫn, hoạt động trải nghiệm chưa phong phú, kỹ năng phục vụ thiếu chuyên nghiệp.
Thừa Thiên Huế có hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp thân thiện với thiên nhiên cùng nguồn tài nguyên nước khoáng nóng, hệ thống đầm phá, bãi biển đẹp. Đó là những thế mạnh cho địa phương phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, cơ sở du lịch, dịch vụ, Thừa Thiên Huế đang có rất nhiều tiềm năng để đón đầu dòng khách nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe – một xu hướng đang rộ lên sau 2 năm cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19.
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang có kế hoạch quảng bá các lợi thế này nhằm thu hút du khách trong giai đoạn bình thường mới và kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng dự án du lịch. Trong đó, có mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo các mô hình thực sự đẳng cấp để tạo thương hiệu khác biệt cho hình thức du lịch này tại Thừa Thiên Huế.
Nhiều cơ hội
Diễn đàn Du lịch Huế 2022 với chủ đề “Du lịch chăm sóc sức khỏe ở tỉnh Thừa Thiên Huế” nhằm tạo diễn đàn cho các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và tại địa phương gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu tiềm năng du lịch chăm sóc sức khỏe, định hướng khai thác phát triển sản phẩm du lịch này để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch đặc thù của Thừa Thiên Huế.
Từ đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa – du lịch và là một trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á, giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Diễn đàn còn là dịp để tỉnh kêu gọi xúc tiến đầu tư, quảng bá truyền thông điểm đến và sản phẩm du lịch của địa phương đến cộng đồng du khách, đơn vị lữ hành trong và ngoài nước.
Tại đây, các chuyên gia, đại biểu từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), Sở Y tế, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên – Huế… đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ nhiều vấn đề như du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam; một số dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe kết hợp du lịch tại Thừa Thiên Huế; giá trị ẩm thực Huế trong vai trò nâng cao sức khỏe.
Từ đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp kết hợp dịch vụ điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe với phát triển du lịch; định hướng, mô hình dịch vụ và sản phẩm để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.
Đặc biệt, Bệnh viện Trung ương Huế và một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh giới thiệu một số dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe của đơn vị. Qua đó, cho thấy tiềm năng lớn cho lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khỏe tại Thừa Thiên Huế.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, du lịch khám chữa bệnh đang trở thành xu hướng du lịch “hot” hiện nay không chỉ của riêng tại Việt Nam mà của toàn thế giới.
Với hình thức du lịch mới này, các du khách sẽ nhận được nhiều tiện ích, được tham quan, vui chơi giải trí và khám chữa bệnh với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện và hiện đại.
Thừa Thiên Huế là điểm du lịch lý tưởng đã được cả nước và thế giới công nhận, trong đó ngành y tế nói chung hay Bệnh viện Trung ương Huế nói riêng chính là hạt nhân của loại hình dịch vụ này.
Theo báo cáo của The Global Wellness Institute (Viện Sức khỏe toàn cầu), du lịch chăm sóc sức khỏe đang dần trở thành lựa chọn của du khách nhằm hướng đến cuộc sống khỏe mạnh và thư thái, gần gũi với thiên nhiên, trải nghiệm và cân bằng cảm xúc… Tính đến cuối năm 2019, loại hình du lịch này đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và được dự báo tăng trưởng với tốc độ trung bình 7,5% hằng năm. |
Theo Báo Lao Động