Nếu TP.HCM thành lập cơ quan chuyên trách phát triển nhà giá rẻ sẽ là cơ hội tốt cho cả người dân và doanh nghiệp.
Sau chuyến tham quan, làm việc gần đây của đoàn đại biểu TP.HCM tại Singapore, Văn phòng UBND TP có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan giao các sở, ban ngành nghiên cứu mô hình phát triển nhà ở giá rẻ của quốc gia này.
Theo các chuyên gia, để thí điểm mô hình của Singapore thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn về quy hoạch, xây dựng, sự góp ý của chuyên gia đầu ngành để không vướng luật, quy định chồng chéo nhau.
Mô hình nhà ở giá rẻ của Singapore
Vừa qua, TP.HCM đã có một dự án phát triển theo mô hình nhà ở giá rẻ của Singapore. Cụ thể là dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Dragon E-Home thuộc khu nhà ở Dragon Village tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức. Ông Anthony Simon Dowden, Giám đốc dự án, chia sẻ: Thiết kế đặc trưng của các dự án giá rẻ tại Singapore là mô hình NƠXH mới.
“Dự án bao gồm các tòa nhà, kết nối liên hoàn thông qua những lối đi nội khu thuận tiện. Mô hình được thiết kế và quy hoạch theo tiêu chuẩn hiện đại bởi tập đoàn tư vấn thiết kế lâu đời nhất Singapore – Surbana Jurong (tập đoàn của chính phủ Singapore)” – ông Dowden nói.
Các tòa nhà được thiết kế khéo léo nhằm khuyến khích tinh thần gắn kết xã hội, cộng đồng cư dân thông qua những không gian chung ở tầng trệt và khoảng không thông tầng.
“Những căn NƠXH này sẽ phục vụ cho nhiều tầng lớp cư dân. Người dân có mức thu nhập nhất định, cả công nhân viên chức có thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng cũng có thể lựa chọn nhiều loại nhà ở khác nhau, từ căn hộ studio đến căn hai phòng ngủ cơ bản” – ông Dowden thông tin thêm.
Vào tháng 8 vừa qua, đoàn đại biểu TP.HCM trong chuyến công tác tại Singapore đã làm việc với Công ty tư vấn Surbana Jurong và thăm thực địa dự án NƠXH của Cơ quan Phát triển nhà ở Singapore (HDB). Surbana Jurong là công ty thuộc chính phủ Singapore và là đơn vị trực tiếp triển khai quy hoạch, xây dựng các khu NƠXH tại đảo quốc sư tử.
HDB được thành lập và có nhiệm vụ phát triển, cung cấp nhà ở giá cả phải chăng cho người dân cả nước, thường gọi là các dự án HDB. Các căn hộ HDB được chính phủ Singapore cung cấp theo thời hạn.
Thuê nhà trong 99 năm
Theo mô hình trên, NƠXH tại Singapore được xem là tài sản xã hội, mục tiêu là đảm bảo cơ hội tiếp cận nhà ở cho mọi người dân. Các căn hộ HDB được Nhà nước cung cấp theo hợp đồng thuê 99 năm, người dân có quyền sử dụng trong 99 năm. Khi hết thời hạn thuê, căn hộ sẽ được trả lại cho HDB để tái phát triển.
Các khu HDB ở Singapore thường gồm nhiều khối nhà liên kết với nhau qua các dãy hành lang có mái che. Hành lang này nối liền với các trạm xe buýt và có hàng chục tuyến xe buýt kết nối từ các khu HDB. Trong một khu nhà HDB có đầy đủ tiện ích chợ, trường, bệnh viện, sân thể thao…
Đến hết năm 2021, có đến 72% người dân sống trong các căn hộ HDB. Chính sách vay mua nhà HDB cũng cực kỳ ưu đãi. Hiện nay, mức trần vay mua nhà lên đến 85% giá trị căn nhà và hưởng lãi chỉ khoảng 2,6%/năm trong 25 năm. |
Người mua căn hộ HDB có thể tận dụng nguồn vay từ ngân hàng, vay từ HDB, trả bằng tiền mặt hoặc bằng nguồn vốn rút từ Quỹ Tiết kiệm trung ương (CPF) – một hệ thống an sinh xã hội cho phép công dân Singapore và thường trú nhân tiết kiệm để nghỉ hưu.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã chỉ đạo trong văn bản (tháng 10) báo cáo về kết quả chuyến công tác của đoàn ở Singapore: “Sở Xây dựng TP phối hợp với Sở Nội vụ TP nghiên cứu, đề xuất mô hình một cơ quan phát triển NƠXH TP.HCM để chuyên thực hiện các dự án NƠXH trên địa bàn TP. Đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng cho TP.HCM làm thí điểm”.
Lưu ý các vấn đề pháp lý
Nói về kỳ vọng vào một cơ quan chuyên trách phát triển NƠXH, nhà ở giá rẻ cho TP.HCM, chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Đạt – Giám đốc Công ty Tư vấn NTD LAW Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều sự đồng tình và ủng hộ của người dân khi chính quyền TP tiên phong thực hiện mô hình nhà ở giá rẻ theo mô hình của Singapore”.
Bản chất nhu cầu về nhà ở và đặc biệt là nhà ở giá rẻ tại các đô thị lớn như TP.HCM là vô cùng lớn. Hiện nay, tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, dự án nhà ở thương mại chiếm số lượng áp đảo so với NƠXH, trong khi NƠXH và các dự án bình dân lại là sản phẩm đáp ứng nhu cầu và khả năng của số đông dân cư.
Ông Đạt cho rằng để phát triển NƠXH, chúng ta cần học tập theo mô hình của Singapore, tức là TP cần lập một cơ quan chuyên môn có chức năng chuyên biệt, cơ quan này sẽ là đầu mối để phát triển, quản lý và kinh doanh các dự án NƠXH.
“Về góc độ pháp lý hiện nay thì vẫn chưa có cơ quan chuyên trách như trên được thành lập để đưa mô hình này đi vào hoạt động hiệu quả. Các ban ngành phải đẩy mạnh nhiều hơn công tác nghiên cứu, triển khai thật sớm. Cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn về quy hoạch, xây dựng, cần sự góp ý của các chuyên gia đầu ngành để không vướng các luật, quy định chồng chéo nhau” – ông Đạt lưu ý.
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) – một đơn vị phát triển và phân phối bất động sản, cho rằng mô hình HDB hay NƠXH cũng chỉ là những khái niệm làm nhà ở giá rẻ.
“Quan trọng nhất vẫn là mức giá bao nhiêu và hỗ trợ tài chính thế nào. Dự án HDB thành công cũng như NƠXH của chúng ta vẫn luôn được đón nhận. Tuy nhiên, nếu nhà ở HDB dao động 250.000-450.000 SGD (tương đương 4,5-8 tỉ đồng) thì ở Việt Nam giá NƠXH tầm 2-3 tỉ đồng/căn, đây vẫn là con số xa tầm tay của người có thu nhập thấp” – ông Việt nói.
Ông Việt phân tích rằng Nhà nước cần có nhiều biện pháp hỗ trợ người chưa có nhà, trong đó thiết thực nhất vẫn là hạ giá thành sản phẩm bất động sản và tung ra gói vay ưu đãi lãi suất thấp như từng thực hiện ở giai đoạn 2014-2016.
Cú hích làm thị trường bất động sản tăng trưởng từ 2013Năm 2013 Chính phủ đã thành công với gói tín dụng kích cầu tiêu dùng quy mô 30.000 tỉ đồng (thực chi là 34.826 tỉ đồng). Gói tín dụng này chủ yếu để hỗ trợ người mua NƠXH và nhà ở thương mại có giá dưới 1,05 tỉ đồng/căn (tăng tổng cầu nhà ở) với lãi suất vay ưu đãi 6% trong năm 2013. Từ năm 2014 áp dụng lãi suất 5%/năm, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chia căn hộ lớn thành các căn hộ nhỏ; cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang NƠXH. Đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH để vừa hoàn thành các dự án nhà ở dở dang, vừa khắc phục tình trạng dự án nhà ở trùm mền, giải quyết được hàng tồn kho, tăng thêm sản phẩm NƠXH đáp ứng nhu cầu thị trường. Kết quả là đã có 56.112 cá nhân mua được nhà ở, giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2013 đến nay. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét tháo gỡ vướng mắc thủ tục đầu tư dự án NƠXH do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất để tăng nguồn cung. Cụ thể là Chính phủ cần chỉ đạo Sở Kh&Đt cấp tỉnh, TP thực hiện nhanh, thông thoáng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án NƠXH do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quỹ đất, không yêu cầu phải phù hợp 100% quy hoạch 1/2000. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM |
Theo PLO