Xuất khẩu tới 7 triệu tấn, gạo Việt vẫn thiếu thương hiệu mạnh

 Xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng nhưng tăng về giá trị. Nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu toàn ngành gạo năm nay có thể đạt từ 6,8-7 triệu tấn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn. So với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo (từ ngày 9/9/2022), giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam đã tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.

Giới chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.

Thời điểm này, những đồng lúa Đông Xuân sớm ở ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch. Nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu toàn ngành gạo năm nay có thể đạt từ 6,8-7 triệu tấn.

Phát biểu tại “Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng ĐBSCL” sáng ngày 19/11, ông Phan Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn cho biết: xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng nhưng tăng về giá trị.

Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, đồng thời phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao. Đối với hợp đồng tiêu thụ, tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao.

Dành sự quan tâm đặc biệt cho việc xuất khẩu lúa gạo sang thị trường Trung Quốc, ông La Vân Phi, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho biết, yêu cầu kiểm dịch nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng sang Trung Quốc ngày càng khắt khe, liên tục bổ sung.

“Doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo Việt Nam cần liên tục cập nhật yêu cầu kiểm dịch, bao bì, nhãn mác,…từ Hải quan Trung Quốc và các cơ quan chức năng để tránh tình trạng nông sản lên tới cửa khẩu lại phải quay đầu vì không đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Phi khuyến cáo.

Liên quan đến phân khúc sản phẩm xuất khẩu, Chủ tịch Công ty Đại Dương Seed cho rằng, tuy các sản phẩm cao cấp đang có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng sản phẩm lúa gạo phổ thông vẫn chiếm nhu cầu chính trong thị phần tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để phát huy thế mạnh từng nhóm sản phẩm theo từng phân khúc khác nhau để chinh phục thị trường Trung Quốc.

Tại diễn đàn, bên cạnh kim ngạch xuất khẩu, câu chuyện tăng tính liên kết, phát triển sản xuất lúa gạo tại khu vực ĐBSCL được đặc biệt phân tích kỹ. Ông Thông đánh giá sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế khi sử dụng lượng giống sạ còn cao, thời gian xuống giống kéo dài. Cùng với đó, vật tư đầu vào chưa đảm bảo chất lượng, sử dụng cũng chưa tiết kiệm; liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chưa chặt chẽ, kho bãi thiếu thốn…

Từ góc độ địa phương, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho rằng, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở ĐBSCL.

Tại An Giang, hiện nay đang có các đơn vị thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tốt như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long… Để chuỗi liên kết đạt kết quả, sau mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp An Giang đều mời cac bên liên quan ngồi lại với nhau, cùng kết nối, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tham gia thực hiện đúng những gì đã cam kết.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ nêu thực trạng việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều. Đa phần doanh nghiệp sẽ thu mua thông qua bên trung gian như thương lái.

Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường, gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.

Do đó, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông, thời gian tới để phát triển ngành hàng lúa gạo cần sự liên kết chặt chẽ hơn nữa, vào cuộc mạnh mẽ của nhiều nhà như nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp.

Theo HQ Online