Vụ cam năm nay, người trồng cam hữu cơ ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thu lãi cả trăm triệu đồng vì cam được giá và được thị trường khó tính đón nhận.
Hiện nay, toàn huyện Hàm Yên có 4 nhóm hộ sản xuất cam hữu cơ, với diện tích cam chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam là 22,6ha/15 hộ tham gia tại các xã Bằng Cốc, Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Hàm Yên. Cam Hàm Yên sản xuất theo hướng hữu cơ chủ yếu là giống cam sành và cam BH32. Các sản phẩm cam hữu cơ 100% đều có tem truy xuất nguồn gốc và được kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, thương lái với giá 25.000/kg, cao gấp đôi so với giá cam trồng theo thông thường.
Gia đình anh Đặng Văn Thành ở thôn 2, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên trồng 3ha cam, trong đó 1,5ha cam theo hướng hữu cơ được 5 năm nay. Năm nay, ngay đầu vụ khi cam bắt đầu cho thu hoạch, nhiều thương lái đầu mối tại các siêu thị lớn đã đến đặt hàng và thu mua.
Với 1,5ha cam trồng theo cách thông thường, gia đình anh Thanh thu về khoảng 30 tấn. Trong khi đó trồng theo mô hình hữu cơ, diện tích 1,5ha cho thu về khoảng 15 tấn. Tuy nhiên, cam hữu cơ được thu mua với giá 25.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí anh Thanh lãi từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg (so với cam trồng theo cách thông thường chỉ lãi từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg).
Anh Đặng Văn Thành cho biết, gia đình anh làm cam hữu cơ được 5 năm nay, năm 2020, diện tích 1,5ha cam của gia đình anh được công nhận hữu cơ. Trung bình mỗi năm, vườn cam hữu cơ của anh thu lãi khoảng 130 triệu đồng/năm, trong khi đó diện tích trồng cam thông thường lãi chỉ khoảng 100 triệu đồng/năm.
Dù giá cam hữu cơ được thu mua cao nhưng năm nay, người trồng cam ở Hàm Yên cũng gặp những khó khăn như việc giá phân bón tăng cao. Bên cạnh đó, giá thuê nhân công chăm sóc, thu hái cao cũng tăng lên. Nếu năm ngoái chỉ thuê 200.000/người/ngày thì năm nay tăng lên 300.000 đồng/người/ngày.
Gia đình ông Hoàng Biên ở tổ dân phố Tân Yên, thị trấn Tân Yên (huyện Hàm Yên) có 2,4ha cam trồng theo hướng hữu cơ. Ông Biên cho biết, năm nay cam khá được giá, năng suất cũng ổn định. Thế nhưng khó khăn lớn trồng hữu cơ là hiện nay chưa có đại lý nào bán các loại phân bón và chế phẩm phục vụ làm hữu cơ, trong khi đó quy trình làm các chế phẩm chế biến làm phân bón, chế phẩm diệt trừ sâu bệnh hại rất mất công và thời gian.
Một khó khăn nữa với người trồng cam như ông là bệnh vàng lá thối rễ và bệnh Greening đang bùng phát và lan rộng khiến cả nghìn ha cam bị chết. Với diện tích cam trồng theo hướng hữu cơ và những nhà vườn có điều kiện chăm bón đủ dinh dưỡng cho cây thì tỷ lệ chết thấp, còn phần lớn nhiều hộ gia đình cây cam bị chết đồng loạt.
Trên thực tế, tỉnh Tuyên Quang có nhiều điệu kiện thuận lợi để phát triển vùng cam hữu cơ hiệu quả. Bởi nơi đây có quỹ “đất sạch” còn nhiều, một số vùng sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu còn ít, do đó chi phí để đầu tư cải tạo đất không cao.
Tuy nhiên khó khăn của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Tuyên Quang là hiện nay quỹ đất khoanh vùng còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa đủ lớn để cho sản xuất hàng hóa. Giống cam của địa phương cũng cần có cơ quan, đơn vị cung cấp giống tốt, sạch bệnh, bởi nếu bà con tự lo khâu giống sẽ không làm chủ được chất lượng, dẫn đến rủi ro, thiếu bền vững.
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, qua hơn 4 năm triển khai làm nông nghiệp hữu cơ, những vườn cam của huyện Hàm Yên ngày càng được mở rộng. Cùng với đó, khi cam được công nhận đạt chuẩn hữu cơ thì thị trường sẵn sàng đón nhận. Việc của các cơ quan chức năng, tổ chức PGS địa phương là cần giúp đỡ bà con nông dân xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho bà con ổn định, đảm bảo lợi nhuận để nông dân yên tâm làm cam hữu cơ.
Cũng theo ông Mịch, rào cản lớn với người sản xuất trồng trọt hữu cơ ở Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung hiện nay là chưa có đơn vị cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp chuyên nghiệp cho các đơn vị, nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo Nongnghiep