Thủ tướng: Triển khai ‘180 ngày hành động’ gỡ thẻ vàng IUU

 “EC sẽ không gỡ thẻ vàng IUU nếu tàu cá Việt Nam còn khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài” – Bộ NN&PTNT.

Chiều 1-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, TP ven biển về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Hội nghị này bàn về vấn đề chống khai thác IUU đã kéo dài năm năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm khắc phục

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tình hình chống khai thác IUU sau năm năm bị cảnh báo “thẻ vàng” đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm khắc phục trên thực tế tại địa phương và điều này đã được Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận, đánh giá, khuyến nghị tại đợt thanh tra lần thứ ba vào tháng 10 vừa qua.

Đơn cử về khung pháp lý, EC đề nghị Việt Nam cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số quy định để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chống khai thác IUU. Ví dụ như tăng mức xử phạt đảm bảo cao hơn gấp nhiều lần so với lợi ích thu được; bổ sung hình thức xử phạt bổ sung tịch thu sản phẩm khai thác và xem xét quy định truy tố một số hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm.

Về quản lý, theo dõi, kiểm tra và kiểm soát hoạt động tàu cá, phía EC đánh giá số lượng tàu cá vẫn còn lớn dẫn đến cường lực khai thác chưa cân bằng với trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Tình trạng tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, vượt ranh giới trên biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế so với các vụ việc vi phạm.

“EC khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo thẻ vàng nếu không chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Trong khi đó từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 75 vụ với 104 tàu cùng 919 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý” – đại diện Bộ NN&PTNT nêu rõ.

Về chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam bằng tàu container để xuất khẩu sang thị trường khác ngoài châu Âu dẫn tới rủi ro vi phạm IUU; nguy cơ xảy ra tình trạng nguyên liệu thô trong nước và nước ngoài được trộn lẫn để chế biến, xuất khẩu vào thị trường EU.

Giải quyết triệt để tồn tại về chống khai thác IUU

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng thời gian qua. Nhờ đó đã có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, ông thẳng thắn nhận xét rằng về tổng thể trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, chậm được khắc phục, chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu để gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC.

“Những tồn tại, hạn chế trong chống IUU không chỉ nguyên nhân từ nhận thức của người dân, mà còn có sự thiếu tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Các tồn tại, hạn chế kéo dài, chậm khắc phục tại nhiều địa phương do thiếu sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các ngành, các cấp, chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiểm tra, thanh tra, giám sát; nhiều nơi chưa có giải pháp lâu dài, tạo sinh kế cho người dân…” – Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ảnh: VGP

Từ đó, ông nhấn mạnh phải nhận thức rằng việc chống IUU không phải chỉ là hình thức, đối phó, mà vì lợi ích của quốc gia, lợi ích của người dân; giữ hình ảnh đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, trong đó có bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển.

Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp phải vào cuộc. Tổ chức thực hiện sâu rộng, có phương pháp phù hợp, huy động sức mạnh tổng hợp trong việc chống IUU. “Cán bộ phải lăn lộn với cơ sở; tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã, xã xuống với dân và nếu tỉnh, huyện xuống với dân thì càng tốt; lo cuộc sống của người dân như cuộc sống của mình thì mới giải quyết được” – ông nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, cơ cấu lại các khoản vay của ngư dân để xử lý; tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi IUU, nếu vi phạm pháp luật hình sự phải cương quyết xử lý.

Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các nghị định, thông tư, các quy định, văn bản pháp luật để phát hiện những vướng mắc, kẽ hở để điều chỉnh phù hợp, sát thực tế. Đặc biệt, phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau cùng thực hiện chống IUU.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ thẻ vàng IUU. Trong đó, kế hoạch phải nêu rõ, cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh, TP, huyện, xã và từng người dân; kế hoạch phải lượng hóa để mọi cơ quan, mọi người dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá; hằng tháng phải kiểm điểm những việc đã làm được, chưa làm được và rút kinh nghiệm, thúc đẩy công việc cho thời gian tiếp theo.

Thủ tướng chỉ rõ: “Mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi cán bộ phải làm việc bằng cả trái tim của mình, tránh bệnh hời hợt, hình thức, quan liêu, không đánh trống bỏ dùi”.

Phú Yên, Tiền Giang giảm đáng kể tàu cá vi phạm khai thác IUU

Bộ NN&PTNT cho biết các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (kiểm ngư, hải quân, biên phòng, cảnh sát biển) đã phối hợp với các tỉnh, TP trực thuộc trung ương ven biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng khai thác bất hợp pháp.

Đơn cử như thường xuyên duy trì trên 30 tàu, sử dụng máy bay không ngưới lái, máy bay DHC-6 kết hợp với tàu mặt nước trên thực địa để tuần tra, kiểm soát; lập danh sách, khoanh vùng địa bàn nơi có tàu cá có nguy cơ cao vi phạm để theo dõi, giám sát. Đến nay đã cơ bản ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài như Phú Yên, Tiền Giang. Trong khi các tỉnh vẫn còn để tình trạng tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài như: Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, đặc biệt là Kiên Giang.

Theo PLO