Ngân hàng Việt vươn tầm quốc tế

Với kết quả kinh doanh cải thiện và tăng trưởng mạnh mẽ, các hoạt động minh bạch và tiệm cận theo chuẩn quốc tế nhiều hơn, các ngân hàng Việt ngày càng thuận lợi hơn trong việc gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tăng hiện diện tại những thị trường khó tính nhất

Dù một số ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã bước đầu thiết lập mạng lưới ở nước ngoài trong những năm qua, như VietinBank có chi nhánh ở Lào, Đức; Sacombank thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Campuchia, mở chi nhánh ở Lào; SHB có ngân hàng con ở cả Lào và Campuchia; BIDV có chi nhánh ở Myanmar… nhưng sự kiện Vietcombank mới đây khai trương văn phòng đại diện tại Mỹ đã gây thu hút sự chú ý không kém, cho thấy mục tiêu vươn tầm quốc tế của ngân hàng Việt.

Khác với những nhà băng khác, chỉ mới vươn ra những quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á, Vietcombank đang ngày càng tích cực tìm kiếm sự hiện diện ở những thị trường khó tính hơn, mà nước Mỹ là một thông điệp rõ ràng nhất. Trước đó, Vietcombank cũng đã có công ty tài chính tại Hồng Kông, công ty chuyển tiền tại Mỹ, văn phòng đại diện tại Singapore, ngân hàng con tại Lào và mới đây nhất vào tháng 10/2019, Vietcombank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chấp thuận thành lập chi nhánh tại Úc.

Lần này, đặt trụ sở ngay tại thành phố lớn nhất là New York, văn phòng đại diện của Vietcombank không chỉ nhằm kết nối với khách hàng hiện hữu và tiềm năng tại thị trường Mỹ, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank và các doanh nghiệp Việt Nam muốn thiết lập quan hệ đầu tư, kinh doanh tại thị trường lớn nhất thế giới, mà còn nhằm nghiên cứu, phân tích về thị trường khó tính nhất này để chuẩn bị cho những mục tiêu dài hơi hơn trong tương lai.

Đầu năm nay, Vietcombank đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ thành công cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank – một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản. Mới đây, Vietcombank cũng đã ký kết thành công thương vụ phân phối sản phẩm bảo hiểm cho tập đoàn quốc tế FWD của Hồng Kông. Có thể thấy, hoạt động của ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất này đang ngày càng có sự góp sức của các yếu tố quốc tế nhiều hơn.

Gần đây các tổ chức quốc tế đã ngày càng dành nhiều sự chú ý hơn cho các ngân hàng trong nước. Bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương của J.P. Morgan mới đây, lần đầu công bố báo cáo riêng về ngành ngân hàng Việt Nam.

Một ông lớn khác là BIDV, mới đây cũng hoàn tất thương vụ bán 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc vào cuối tháng 10/2019, giúp trở thành NHTM có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Theo đó, BIDV sẽ có thêm nguồn lực để đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số và quản lý chất lượng tài sản với sự hỗ trợ của đối tác chiến lược mới.

Ngoài ra, đối tác mới được cho là sẽ gửi khoảng 20 chuyên gia Hàn Quốc đến BIDV để đảm nhận một số vị trí quan trọng, bao gồm vị trí trong HĐQT và ban quản lý. Chưa dừng lại ở đó, BIDV đang có kế hoạch tiếp tục thực hiện phát hành thêm 10% cho nhà đầu tư tài chính nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của chính phủ xuống 65% trong các năm sau. Dù vậy, việc phát hành này sẽ chưa được thực hiện tối thiểu trong vòng 6 tháng sau khi phát hành cho KHB.

Trong khi đó, truyền thông quốc tế ngày 8/11/2019 cũng đưa tin ngân hàng Quân đội (MBBank) dự kiến sớm hoàn tất kế hoạch huy động khoảng 240 triệu USD từ việc bán 7,5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài vào cuối tháng này, tương đương 141,5 triệu cổ phiếu phát hành mới và 47 triệu cổ phiếu quỹ. Theo đó, MBBank sẽ chào bán cổ phần tới khoảng 100 nhà đầu tư và đang làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư khác từ Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc.

Tiệm cận chuẩn quốc tế để hút thêm vốn

Bên cạnh hoạt động chào bán vốn cổ phần, một số ngân hàng cũng thu hút được vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài qua con đường phát hành trái phiếu ngoại tệ. Sau khi VPBank phát hành thành công 300 triệu USD trái phiếu vào giữa tháng 7/2019, thì SHB vào cuối tháng 8 cũng cho biết có kế hoạch phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế. Mới đây vào giữa tháng 10, đến lượt SeABank cũng cho biết đang lấy ý kiến cổ đông về việc phát hành tối đa 400 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trước đó vào đầu tháng 6, TPBank cũng lên kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu.

Với kết quả kinh doanh cải thiện và tăng trưởng mạnh mẽ, các hoạt động minh bạch và tiệm cận theo chuẩn quốc tế nhiều hơn, các nhà băng Việt ngày càng thuận lợi hơn trong việc gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, một ngân hàng tuy có quy mô nhỏ là Vietbank cũng đã trở thành ngân hàng thứ 14 được NHNN phê duyệt trước thời hạn về áp dụng Thông tư 41 theo chuẩn Basel 2, là một minh chứng cụ thể.

Chính vì vậy, gần đây các tổ chức quốc tế đã ngày càng dành nhiều sự chú ý hơn cho các ngân hàng trong nước. Bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương của J.P. Morgan mới đây, lần đầu công bố báo cáo riêng về ngành ngân hàng Việt Nam. Theo ngân hàng này, các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng với tốc độ cao trong 5 năm tới, nhờ chu kỳ tín dụng thuận lợi sẽ mang đến lợi nhuận đáng kể cho các nhà băng Việt.

Quay trở lại với Vietcombank, sự kiện trên tiếp tục khẳng định những nỗ lực vượt bậc của ngân hàng này trong đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phát triển theo chiến lược đã đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là trở thành ngân hàng số một Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.

Điều quan trọng hơn, “việc một NHTM của Việt Nam vượt qua được những điều kiện khắt khe để được các cơ quan quản lý Mỹ cấp phép hoạt động cho thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thực sự hội nhập và đáp ứng nhiều chuẩn mực quốc tế”, theo như lời ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ. Theo mục tiêu của NHNN, Việt Nam sẽ phấn đấu có 3-5 ngân hàng thuộc tầm khu vực trong những năm tới, do đó việc tiệm cận và nâng tầm hoạt động ra nước ngoài là điều cần thiết hiện nay.

Nguồn DNSG