Phát triển cụm công nghiệp làng nghề được kỳ vọng là nhân tố thúc đẩy cơ khí hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Chính vì vậy, việc khởi công xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) Thanh Đa hứa hẹn sẽ tạo xung lực, cơ hội mới để các doanh nghiệp chinh phục, định vị được thương hiệu trong quá trình hội nhập.
Phát triển CCN làng nghề – Tạo xung lực mới để Phúc Thọ phát triển
Những năm trước đây, huyện Phúc Thọ được xem là “vùng xanh” của thủ đô khi công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa xứng với tiềm năng. Bởi Phúc Thọ quê hương của những làng nghề truyền thống như: Nghề chế biến và sản xuất sản phẩm từ gỗ ở các xã: Hát Môn, Thanh Đa, Liên Hiệp…
Chính vì vậy, với quyết tâm đưa Phúc Thọ trở thành vành đai xanh, vùng quê trù phú và đáng sống, làm “sống dậy những hồn quê” từ “mảnh đất trăm nghề”, những năm qua, Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ XXI (2020 -2025), đã đề ra mục tiêu phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng công nghiệp là một khâu đột phá, đặc biệt cụm công nghiệp (CCN) làng nghề đang là hướng đi ưu tiên lựa chọn để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương.
Hiện thực hóa chủ trương này, huyện Phúc Thọ đang đẩy mạnh phát triển các CCN làng nghề gồm: Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Võng Xuyên với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng. Đây là tiền đề cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; Đồng thời giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư, tăng thu ngân sách cho huyện một cách bền vững trong những năm tới.
Cụm công nghiệp Thanh Đa tại xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ chính thức được khởi công |
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Với phương châm “ly nông nhưng không ly hương”, tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, khơi dậy những khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, huyện Phúc Thọ nhận thức rõ trong quá trình công nghiệp hóa kinh tế nông thôn, phát triển các cụm công nghiệp làng nghề đóng vai trò quan trọng nhằm phát huy lợi thế kinh tế theo quy mô, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh.
Huyện cũng kỳ vọng, phát triển CCN làng nghề tại mỗi địa phương sẽ là hạt nhân đổi mới sáng tạo tại nông thôn, nhân tố thúc đẩy cơ khí hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, đa dạng sản phẩm từng bước tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Lấy dẫn chứng những giá trị của phát triển CCN làng nghề, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết: Làng nghề mộc Phú An của xã Thanh Đa đã có từ rất lâu. Những năm gần đây, làng nghề thôn Phú An có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, mang lại cho xã hội nguồn thu nhập lớn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Song thẳng thắn nhìn nhận, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho rằng hầu hết các cơ sở sản xuất còn mang tính tự phát, phân tán vì vậy người dân đang phải đối diện với mặt trái của sự phát triển đó chính là ô nhiễm môi trường, sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Chính vì vậy, Phúc Thọ đã quy hoạch phát triển CCN Thanh Đa, coi đây là cơ hội để địa phương định vị lại mình, xác định những điểm nghẽn, nút thắt nội tại của làng nghề cần phải giải quyết, cũng như tìm ra những động lực mới, xung lực mới để sắp xếp lại không gian phát triển, tận dụng được các tiềm năng lợi thế theo hướng bền vững.
Qua đó, phát huy được sức trẻ trong khởi nghiệp ở nông thôn khuyến khích sự sáng tạo, dấn thân, hình thành nên những lớp doanh nhân “đi lên từ làng quê” trong phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Đường lớn đã mở – Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Nhận thức được việc nuôi dưỡng, thúc đẩy khát vọng làm giàu chính đáng và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ chủ trương sẽ chọn những nhà đầu tư có đủ năng lực để sớm triển khai thực hiện CCN Thanh Đa. Qua nhiều lần “sát hạch”, thẩm định Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên (Cầu Giấy – Hà Nội) là đơn vị được “chọn mặt gửi vàng” để trở thành nhà đầu tư.
Có lẽ Tập đoàn Long Biên là đơn vị được lựa chọn bởi đây là doanh nghiệp đa ngành và có nhiều kinh nghiệm trong phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đầu tư, xây dựng, thương mại, khoáng sản. Hiện Tập đoàn này đang là chủ đầu tư của nhiều dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp trọng điểm. Đáng chú ý, “thuyền trưởng” của Tập đoàn Long Biên là Tiến sĩ, Chủ tịch HĐTV, Phó Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam Nguyễn Đức Thuận, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn). Người đã có nhiều năm lăn lộn trên rất nhiều công trường xây dựng công trình trọng điểm quốc phòng và hạ tầng. Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuận cũng là nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng (GAET) – đơn vị Anh hùng lao động trên mặt trận kinh tế trong thời kỳ đổi mới.
Chia sẻ về quá trình triển khai CCN Thanh Đa, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thuận cho biết: Bản thân tôi là người lính từng có nhiều năm trên thương trường, nhận thấy quá trình xây dựng và phát triển các doanh nghiệp làng nghề tại Thanh Đa gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tại Thanh Đa, những lớp người trẻ đang “hừng hực” khát vọng vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương. Dù lúc đầu triển khai CCN Thanh Đa cũng có “tâm tư” nhất định khi nền kinh tế có nhiều biến chuyển nhưng với phương châm “gian khó mới tỏ anh hùng” và phải làm được điều gì dù nhỏ bé để quê hương phát triển nên tôi và ban lãnh đạo Tập đoàn Long Biên đã bắt tay vào triển khai và “quyết tâm phải làm bằng được”. CCN Thanh Đa ra đời là mong ước nhỏ bé, tạo tiền đề để tiếp tục thắp sáng khát vọng và đưa làng nghề tại Thanh Đa phát triển bền vững.
Toàn cảnh cụm công nghiệp Thanh Đa |
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Quyền, Chủ tịch Hội làng nghề Mộc – Nội thất Phú An, xã Thanh Đa cho biết: Hoạt động sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp tại Thanh Đa thời gian qua đã mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này cũng để lại những hệ lụy về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, tai nạn giao thông rất cao. Nguyên nhân là do tất cả nhà xưởng sản xuất của các cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư theo dạng (nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh). Các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong Hội đều nhận thức được điều đó và coi đây là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển kinh tế trong tương lai gần cần phải tháo gỡ. Chính vì vậy, Hội đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng sớm có một cụm công nghiệp để các chủ cơ sở yên tâm, tập trung đầu tư sản xuất.
“Trong quá trình triển khai, khi biết chủ đầu tư gặp một số khó khăn “rào cản” nhất định nhưng các chủ cơ sở, doanh nghiệp trong Hội đều tin tưởng, kỳ vọng vào năng lực của chủ đầu tư. CCN Thanh Đa được khởi công xây dựng đã “giải tỏa” được nỗi niềm, đáp ứng niềm mong mỏi bấy lâu nay. Bởi khi vào cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ để từng bước xây dựng, phát triển khẳng định thương hiệu cá nhân. Đồng thời, CCN Thanh Đa ra đời sẽ góp phần không nhỏ trong việc định vị, hình thành “chỉ dẫn địa lý” về thương hiệu làng nghệ mộc truyền thống của địa phương”- ông Nguyễn Tiến Quyền cho biết.
Chung quan điểm này, các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất như anh Hoàng Vĩnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Lê Hoàng, anh Lưu Đình Văn, Hoàng Đình Toản đều bày tỏ niềm phấn khởi, kỳ vọng khi CCN Thanh Đa được triển khai và đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân, đặt nền móng vững chắc để doanh nghiệp ổn định, mở rộng phát triển sản xuất.
Đường lớn đã mở, “ngoài kia gió đang thổi”, những người nông dân thuở nào nay trở thành lớp doanh nhân thế hệ mới đã biết “mượn sức gió để có thể đi xa, bay cao” và thực hiện kỳ vọng phát triển kinh tế, khẳng định thương hiệu làng nghề đang trở thành hiện thực khi CCN Thanh Đa chính thức khởi công.
Theo Báo Công thương