Ngân hàng ACB có thể chi khoảng 100 tỷ đồng cho thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trong năm 2023 nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.
Sáng 13/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2023.
Đại hội đã thông qua một số vấn đề như kết quả hoạt động năm 2022 và định hướng hoạt động năm 2023; Báo cáo của BKS; Báo cáo tài chính; Phân phối lợi nhuận năm 2022, kế hoạch lợi nhuận năm 2023; Tăng vốn điều lệ từ cổ tức bằng cổ phần phổ thông; Mức thù lao và ngân sách hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2023…
ĐHCĐ đã bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 với 9 thành viên (trong đó có 1 thành viên độc lập) và BKS là 3 thành viên (chuyên trách).
Cụ thể, 6 thành viên HĐQT cũ gồm: ông Trần Hùng Huy (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Thành Long (Phó Chủ tịch), ông Đàm Văn Tuấn (thành viên), Hiep Van Vo (thành viên độc lập) và các bà Đinh Thị Hoa, Đặng Thu Thủy (thành viên).
Ba thành viên mới gồm các ông Đỗ Minh Toàn, Nguyễn Văn Hòa và Trịnh Bảo Quốc.
Như vậy, ông Trần Hùng Huy tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. Trong khi đó, ông Huỳnh Nghĩa Hiệp là Trưởng BKS.
ĐHCĐ cũng thông qua mức thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS ở mức 0,6% lợi nhuận sau thuế theo báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm 2023.
Ngân hàng ACB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 17,2% so với năm 2022, lên 20.058 tỷ đồng. Trong năm ngoái, lợi nhuận sau thuế của ACB là 13.688 tỷ đồng. Nếu mức tăng này được giữ, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng ACB năm nay là 16.042 tỷ đồng.
Với mức thù lao 0,6%, Ngân hàng ACB sẽ chi hơn 96 tỷ đồng cho HĐQT và BKS trong năm 2023.
Đây cũng là tỷ lệ mà nhiều ngân hàng thương mại khác áp dụng, giống như ĐHCĐ Ngân hàng SHB vừa thông qua ngày 11/4.
Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết, năm 2023 sẽ khó khăn hơn. Ngành ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. ACB đã dự trù các phương án kinh doanh trước khó khăn của thị trường.
Trong qúy I/2023, Ngân hàng ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ 0,6% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 2,1%. Lợi nhuận hợp nhất 5.120 tỷ đồng. Nợ xấu có xu hướng tăng nhưng được kiểm soát dưới mức 1%.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Từ Tiến Phát, tỷ lệ cho vay lĩnh vực bất động sản là 24%, trong đó 82% là cho vay mua nhà để ở. Riêng cho vay doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản là dưới 1%. Tỷ lệ an toàn vốn 13,1%. Tỷ lệ sử dụng vốn ngân hàng cho vay trung dài hạn ở mức 16%.
Ông Phát cũng khẳng định, ACB không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022 (85% là trái phiếu Chính phủ, còn lại là trái phiếu tổ chức tín dụng). Trong năm 2023, ACB cũng không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, trừ khi đó là trái phiếu tổ chức tín dụng.
ACB dự chi cổ tức tổng tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu trong năm 2023.