Hội nghị phát triển làng nghề, vùng nguyên liệu, kết nối tiêu thụ, sản phẩm Hà Nội – Viêng Chăn 2023 góp phần nâng tầm mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Lào.
“Cánh tay nối dài” kết nối tiêu thụ sản phẩm Hà Nội – Viêng Chăn
Chiều nay 21/4 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) sẽ diễn ra hội nghị phát triển làng nghề, vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ, sản phẩm Hà Nội – Viêng Chăn 2023. Hội nghị được Thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Viêng Chăn phối hợp tổ chức
Đây là hoạt động hết sức thiết thực, ý nghĩa, tạo điều kiện để chính quyền và doanh nghiệp hai Thủ đô tiếp xúc, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển làng nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông sản thực phẩm… giữa các doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề của hai Thủ đô, liên kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu chuối, gừng, ớt, cây đót…
“Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ, sản phẩm Hà Nội – Viêng Chăn 2023” có sự tham gia của 29 doanh nghiệp của TP Hà Nội hoạt động trong các lĩnh vực: Các hội, hiệp hội, các nghệ nhân đại diện cho nhiều làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như lụa Vạn Phúc, sừng mỹ nghệ Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái – Duyên Thái, mây tre đan Phúc Vịnh, gốm Bát Tràng, khảm trai chuyên Mỹ…; các DN chế biến nông sản, các DN thương mại… cùng trên 100 doanh nghiệp của Lào.
Trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra phần trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm: phát triển làng nghề, liên kết phát triển vùng nguyên liệu (chuối, ớt, gừng, tiêu… phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp chế biến của Hà Nội; nguyên liệu song, mây, tre, đót… phục vụ cho phát triển ngành nghề mây tre đan của Hà Nội; đất, thạch cao…phục vụ cho phát triển nghề gốm của HN, gạo phục vụ cho chế biến mỳ các các loại của doanh nghiệp Hà Nội); kết nối tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông sản thực phẩm… giữa các doanh nghiệp, nghệ nhân làng nghề của hai Thủ đô.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội, Thủ đô Viêng Chăn (Lào) tham quan các gian trưng bày sản phẩm tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, với chủ đề “Hà Nội – Viêng Chăn, Hợp tác cùng phát triển” tháng 8/2022 tại Hà Nội |
Hội nghị sẽ tổ chức khu gian hàng với quy mô 30 gian trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, mây tre, mỹ nghệ sừng, mỹ nghệ trai ốc, sản phảm sơn mài, lụa, đồ trang sức, may mặc, giầy dép, túi giấy, mỳ các loại, bánh kẹo, gia vị, Quế, hồi, hàng nông sản… của Việt Nam và Lào. Theo ban tổ chức, khu trưng bày đã thu hút được sự quan tâm của gần 100 doanh nghiệp hai bên đến tham dự và tìm kiếm đối tác.
Ban tổ chức cũng có biết, trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra 13 lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp Lào gồm: 03 Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phát triển vùng nguyên liệu của doanh nghiệp Hà Nội tại Lào; 09 Biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ Lào sang Việt Nam; 01 Biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm từ Việt Nam sang Lào. Việc ký kết này sẽ mở ra cơ hội, hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp của Hai Bên.
Nâng tầm hợp tác Việt – Lào
Lũy kế đến nay, tổng vốn FDI đăng ký của Lào vào thành phố Hà Nội là 10,5 triệu USD, trong đó có 5 dự án cấp mới với vốn đăng ký là 4,34 triệu USD; 4 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 6,172 triệu USD. Các doanh nghiệp của Lào đầu tư tại Hà Nội trong một số lĩnh vực như: thương mại, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; sửa chữa ô tô, xe máy…
Mặc dù giai đoạn năm 2020-2022 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 toàn cầu, song kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên vẫn đạt kết quả tích cực. Riêng năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào ước đạt 200 triệu USD (chiếm tỷ trọng 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 20% so với năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Lào năm 2022: Khoáng sản (chiếm tỷ trọng 14,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào); cơ kim khí (chiếm tỷ trọng 14,4%); linh kiện điện tử – vi tính (chiếm tỷ trọng 5,3%).
Ở chiều người lại, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022 từ Lào ước đạt 211 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 12,6% so với năm 2021. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Lào năm 2022: Nông sản các loại (chiếm tỷ trọng 14,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội từ Lào); phân bón các loại (chiếm tỷ trọng 12,2%); thực phẩm (chiếm tỷ trọng 6%).
Theo các doanh nghiệp của Hà Nội hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh về thủ công, mỹ nghệ, nông sản,… nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm một số chủng loại chính như: mây, song, giang, tre, gỗ, cói, đất, sừng,…đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu tại Việt Nam ngày càng bị thu hẹp trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn. Trong khi đó, Lào có nhiều tiềm năng trong phát triển vùng nguyên liệu do có quỹ đất lớn, tập trung nên thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, Lào cũng có những nguồn nguyên liệu về thạch cao và cao lanh phù hợp để sản xuất hàng gốm sữ, mỹ nghệ, gia dụng của các doanh nghiệp Hà Nội.
Khai thác tối đa cơ hội hợp tác Hà Nội – Viêng Chăn
Theo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố, có từ 6 – 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% – 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố. Để đạt mục tiêu đó, bên cạnh các chính sách thu hút hợp tác, quảng bá, giao thương xúc tiến sản phẩm, Hà Nội đặc biệt cần nguồn nguyên liệu bền vững cả về chất lượng, số lượng cho hàng thủ công mỹ nghệ.
Gian hàng của Hà Nội giới thiệu các sản phẩm tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào tháng 11/2022 |
Thành phố đã và đang có nhiều chính sách định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề. Bên cạnh đó, Hà Nội đặc biệt quan tâm, hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu của các địa phương trong và ngoài nước, có chứng chỉ bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế. Ưu tiên phát triển một số sản phẩm chủ lực như: Mây tre lá, gốm sứ, thêu dệt, dược liệu…
Tại Hội nghị này, thành phố Hà Nội cũng mong muốn các doanh nghiệp của Hà Nội sẽ tìm kiếm được cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tại Lào cũng như hợp tác phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất tại các địa phương của Lào; Nghệ nhân làng nghề của hai Thủ đô sẽ trao đổi và chia sẻ được những kinh nghiệm quý giá để phát triển làng nghề ngày càng bền vững, tạo ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao và đóng góp cho phát triển kinh tế của hai Thủ đô.
Ở chiều ngược lại, chính quyền Thủ đô Viêng Chăn cũng kỳ vọng tại hội nghị lần này các nghệ nhân làng nghề, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của thành phố Hà Nội sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu để giúp phát triển làng nghề và sản phẩm làng nghề của thủ đô Viêng Chăn và các địa phương của Lào nâng tầm cao mới; khuyến khích các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư tại Lào nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ đó giúp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản,… của Lào thâm nhập được vào kênh phân phối của Hà Nội và hội nhập ra thế giới. Chính quyền Thủ đô Viêng Chăn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp của Hà Nội hoạt động hiệu quả và bền vững.
Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư 214 dự án tại Lào với tổng số vốn 5,34 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án của Việt Nam tại Lào đang phát huy hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như thủy điện, cơ sở hạ tầng, hàng không, tài chính, ngân hàng, viễn thông, nông nghiệp…đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế-xã hội của Lào. |
Tổng hợp