Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cùng tháo gỡ khó khăn với nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 22-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài với kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 địa phương và khoảng 80 điểm cầu tại nước ngoài.

Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự và chủ trì hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, các cơ quan đã khảo sát, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp cụ thể liên quan tới giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và Chính phủ. Thủ tướng đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các chính sách tiền tệ trong một vài ngày tới về khoanh nợ, giảm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ…

Thủ tướng đề nghị trong buổi làm việc hôm nay, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.

“Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành.

Tinh thần là xử lý công việc, vấn đề đặt ra phải nghiêm túc, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay thì các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát, những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.

Việt Nam tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới để là điểm đến hấp dẫn

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tại đầu cầu TP.HCM – Ảnh: N.BÌNH

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chủ trì một hội nghị lớn dành riêng cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này thể hiện sự quan tâm, trân trọng và tin tưởng của người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.

“Tình hình kinh tế thế giới có rất nhiều biến động, diễn biến mới, chưa từng có tiền lệ, rất khó dự báo hoặc không thể dự báo, rủi ro, bất định ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, tình hình trong nước cũng có những khó khăn thách thức hiện hữu như chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ tại một số ngành và địa phương, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ.

Tất cả những yếu tố này đều là những khó khăn chung cho quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế Việt Nam, trong đó có khu vực đầu tư FDI”, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, mặc dù có những khó khăn, thách thức nhưng đã mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã và đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, với nhiều lợi thế.

Bộ trưởng cũng kiến nghị các giải pháp ngắn hạn và dài hạn với đầu tư FDI.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hội nghị – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, trong ngắn hạn, đối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cần chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những tồn tại hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư ngay ở cấp cơ sở.

Thứ hai, phải thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2023 để tiếp tục giảm chi phí hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các cấp.

Thứ ba, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với đối tác mới, với các thị trường, đa dạng hóa công tác giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Thứ tư, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đón các làn sóng đầu tư mới như về mặt chính sách, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động và tay nghề, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị; chuẩn bị sẵn các “gói” ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược có tính lan tỏa cao.

Trong dài hạn, tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, trong quá trình đề xuất, xây dựng, ban hành các chính sách cần lưu ý hướng tới xu thế, kinh nghiệm tốt của quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để áp dụng có chọn lọc.

Ông Nitin Kapoor, đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), chủ tịch AstraZeneca Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với các doanh nghiệp FDI, ông Dũng kiến nghị thực hiện bốn nhóm giải pháp. Thứ nhất, thực hiện đổi mới mô hình, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Ưu tiên đầu tư các dự án sử dụng ít lao động, năng lượng, đất đai, tài nguyên, đem lại giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, trao đổi, liên hệ kịp thời với các cơ quan quản lý về đầu tư tại trung ương và địa phương để có được sự hỗ trợ, hướng dẫn và sớm có được quyết định đầu tư.

Thứ ba, xây dựng tinh thần chia sẻ, hợp tác và đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư mới, tổ chức sản xuất kinh doanh bền vững, tuân thủ pháp luật, luôn đổi mới công nghệ. “Mỗi một doanh nghiệp các bạn đều là một đối tác chiến lược toàn diện của chúng tôi”.

Thứ tư, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để cùng nhau tận dụng các cơ hội và lợi thế mỗi bên. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Các chính sách mới ban hành phải đảm bảo mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn, vừa không tạo thêm những rào cản mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-4-2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỉ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỉ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022.

Đây là những kết quả đạt được trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia và khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.

Tổng hợp