Nhiều doanh nghiệp Việt có bước tiến nhảy vọt qua các thương vụ với đối tác Mỹ. Tuy nhiên, rủi ro cũng không ít khi chính các tập đoàn của Mỹ gặp khó.
Noble House Home Furniture LLC, tập đoàn của Mỹ vừa đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 tới Tòa án Hoa Kỳ ở quận Houston, Texas trong bối cảnh lạm phát và chi tiêu của người dân suy yếu. Một doanh nghiệp khác dự kiến sẽ mua lại tài sản của Noble House trong tháng 10 này.
Hiện, xác định tài sản của Noble House còn lại bao nhiêu và công nợ sẽ xử lý như thế nào còn phải chờ vào hoạt động bán tài sản và phán quyết của tòa án Mỹ. Tuy nhiên, việc nhà sản xuất, phân phối và bán lẻ đồ nội ngoại thất của Mỹ phá sản đã ngay lập tức tác động tới giá cổ phiếu doanh nghiệp Việt.
Trong phiên giao dịch ngày 9/10, cổ phiếu PTB của CTCP Phú Tài (Gỗ Phú Tài) giảm hơn 4% xuống dưới ngưỡng 60.000 đồng/cp. Phú Tài là nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất và đá ốp lát sang thị trường Mỹ với tỷ trọng doanh thu lớn.
Doanh nghiệp này được đánh giá sẽ hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu gỗ sang Mỹ, sau khi Mỹ-Việt nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.
Theo báo cáo tài chính, tới cuối tháng 6/2023, Phú Tài có khoản phải thu 79 tỷ đồng đối với Noble House, tăng hơn 71 tỷ so với đầu năm. Khoản phải thu này tương đương khoảng 10% doanh thu mảng gỗ của công ty mẹ.
CTCP Cẩm Hà (CHC) cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc Noble House của Mỹ phá sản. Cổ phiếu CHC trong vài phiên giao dịch gần đây không biến động vì mã này thường xuyên không có giao dịch và tình trạng này trong nhiều năm qua.
Trong một thông báo phát đi ngày 3/10, CTCP Cẩm Hà cho biết, doanh thu của Noble House bình quân chiếm khoảng 50% tổng doanh thu. Công ty đang nỗ lực tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản của tòa án để thu hồi các khoản phải thu đối với Noble House.
Cơ hội lớn từ Mỹ, đa phương hóa để bứt phá
Trước đó, nhiều doanh nghiệp Việt lao đao khi các đối tác ngoại gặp khó khăn hoặc phá sản. Cuối năm 2022, CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh – Gilimex (GIL) ghi nhận vốn hóa bốc hơi 600 tỷ đồng trong vòng một tuần sau sự việc kiện tụng với Amazon.
Gilimex công bố thông tin khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC (Amazon). Lý do GIL đưa ra Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Cụ thể, Amazon đã thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó khiến Gilimex gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô. Amazon cắt giảm nhập khẩu bởi sức cầu tiêu dùng tại Mỹ suy giảm trong khi tồn kho của ngành bán lẻ Mỹ ở mức cao.
Năm 2020, May Sông Hồng cũng gặp khó khi đối tác lớn là RTW Retailwinds của Mỹ đệ đơn phá sản. Năm 2018, Dệt may Thành Công (TCM) cũng thiệt hại lớn khi nhà bán lẻ Sears Holdings đệ đơn xin bảo hộ phá sản.
Thực tế cho thấy, việc xuất khẩu cho các tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ mang đến những bước nhảy vọt cho nhiều doanh nghiệp Việt, trong đó có Gilimex, Phú Tài, May Sông Hồng, Thủy sản Vĩnh Hoàn, Tôm Minh Phú…
Với trường hợp Phú Tài, từ một công ty có quy mô vừa và nhỏ, lợi nhuận năm 2012 chỉ có chưa tới 70 tỷ đồng, đến năm 2022, PTB trở thành một trong những công ty xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam với lợi nhuận đạt 500 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần. Thị trường Mỹ đã giúp PTB bứt phá.
Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) có lợi nhuận tăng từ loanh quanh 200 tỷ đồng năm 2012 lên con số 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 với thị trường chủ lực là Mỹ. Riêng Tập đoàn Minh Phú (MPC), công ty xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, có bước tăng trưởng thần kỳ từ mức lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 17 tỷ năm 2012 lên hơn 800 tỷ năm 2022.
Hay một công ty trong lĩnh vực may mặc như TNG cũng có mức tăng trưởng siêu tốc từ mức 22 tỷ năm 2012 lên con số 300 tỷ năm 2022.
Dự báo, dòng vốn từ Mỹ vào Việt Nam và xuất nhập khẩu tăng nhanh trong 10 năm qua và sẽ tiếp tục bứt phá trong 10 năm tiếp theo.
Đây được xem là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa các đối tác nhập khẩu đến từ Mỹ là điều cần thiết khi mà nền kinh tế số 1 thế giới gần đây cũng đối mặt với rất nhiều vấn đề, khiến không ít tập đoàn lớn lao đao.
Sau đại dịch Covid, rất nhiều nhà bán lẻ danh tiếng như JC Penney, Neiman Marcus, J. Crew, Pier 1, Modell’s Sporting Goods, True Ton, RTW RetailWinds, Lucky Brand, The Paper Store, Men’s Wearhouse, Lord & Taylor… đã sụp đổ.
Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, như nhà bán lẻ đồ thể thao Sail Outdoors của Canada; nhà bán lẻ thời trang Debenhams, Laura Ashley, thương hiệu thời trang Karen Millen của Anh…
Trong năm 2022, thương mại Mỹ-Việt đạt 139 tỷ USD, tăng gấp nhiều lần so với mức 25 tỷ USD hồi năm 2012. Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Trong 2 năm vừa qua, 2021-2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đều đạt mức kỷ lục trên 100 tỷ USD.
Theo Vietnamnet