Trào lưu tạo ảnh chân dung từ AI đang được nhiều người hứng thú trên mạng xã hội bởi rất giống với hình ảnh thật.
Tuy nhiên, đằng sau sự hứng khởi, không ít người đặt vấn đề: khi mức độ hoàn thiện ngày càng cao, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thực sự đáng lo ngại, có thể khiến một số vị trí việc làm bị ảnh hưởng.
Câu chuyện này đã được ông Hoàng Nam Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT đề cập. Công nghệ ngày càng hiện đại, robot hay AI có thể khiến người lao động, kể cả nhân sự có trình độ đại học ở một số công việc bị mất việc.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, tình trạng công nhân mất việc đang diễn ra một số địa phương hiện nay, ngoài lý do từ thực tế kinh tế khó khăn còn xuất phát từ việc robot xuất hiện và đang thay thế dần công việc của người lao động.
Vấn đề này đã được ông Hoàng Minh Tiến chia sẻ cách đây 4 năm nhưng nhiều người ở thời điểm đó không tin là robot có thể thay thế cho người lao động tại Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay thì đã khác. Robot ở thời điểm 4 năm trước có giá lên đến 400.000 USD, đến nay đã giảm rất mạnh, chỉ còn 30.000 USD.
Lợi thế của robot là có thể làm việc 24h mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, 365 ngày mỗi năm mà không đòi tăng lương, không cần nghỉ việc. Ông Hoàng Minh Tiến dự báo, những công nhân làm những việc đơn thuần, dù tuổi đời trẻ nhưng có thể bị robot cướp mất việc.
Liên quan đến sự phát triển của công nghệ, không chỉ công nhân, nhiều nhân sự ở các ngành nghề khác như phóng viên, lập trình viên cũng có nguy cơ bị mất việc khi trí tuệ nhân tạo xuất hiện. Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT dự báo, không quá 3 năm nữa, nếu chỉ viết tin thông thường, nhà báo sẽ không đọ được với độ nhanh của AI, nhất là khi ứng dụng mới sử dụng dữ liệu trực tiếp ở thời điểm hiện tại, khắc phục lỗi của ChatGPT. Lúc này, việc làm điều tra, nghiên cứu mới là quan trọng với các nhà báo.
Một dẫn chứng khác được ông Hoàng Nam Tiến đề cập là vị trí lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin trong lĩnh vực mà ông đã công tác hơn 30 năm qua. Trước đây, chính vị lãnh đạo này đã cho rằng: một kỹ sư công nghệ thông tin ra trường thành thạo 2 ngôn ngữ là tiếng Anh (tiếng Nhật) và ngôn ngữ lập trình là hoàn toàn có thể kiếm sống tốt với mức thu nhập 20 – 30 triệu đồng/tháng.
Song ở thời điểm hiện tại, nhận định trên không còn đúng nữa. Giỏi ngoại ngữ và ngôn ngữ lập trình thôi vẫn chưa đủ, các kỹ sư công nghệ thông tin, lập trình viên có thể vẫn sẽ mất việc bởi các dòng lệnh viết bằng Java, C++… có thể lên ChatGPT lấy về là xong, không cần code.
Chia sẻ những thông tin trên, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng: để không bị robot thay thế và thất nghiệp, công nhân cần học nghề chuyên sâu hoặc đào tạo lại thay vì chỉ học đơn giản trong nhà máy 2 – 3 tháng là đi làm như trước đây. Đại diện lãnh đạo Hội đồng trường FPT cũng đánh giá, hiện nay nhiều người trẻ đã ý thức được rằng việc định nghề quan trọng hơn là học đại học nên đã chủ động học nghề. Nhiều trường cao đẳng nghề được thành lập, thậm chí học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, thay vì học cấp 3 đã chuyển sang học nghề.
Còn những nhân sự có trình độ đại học, tân cử nhân muốn có vị trí và không bị AI thay thế cần phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ thông qua việc cập nhật kiến thức công nghệ mới như AI, Big Data, blockchain…. Những kiến thức này trong các trường có thể chưa đủ bởi công nghệ đang phát triển rất nhanh.
“Người lao động ngày hôm nay phải khác. Cách đây mấy năm, câu nói “Học tập suốt đời” mà tôi đã từng chia sẻ tưởng như là nói quá. Giờ đây, câu nói này không là phù phiếm mà trở thành đòi hỏi mang tính thực tiễn. Có nhiều cách thức học tập chuyên sâu hơn như học chính quy, học trực tuyến hay các khoá học ngắn hạn… Học theo hình thức nào cũng đều được nhưng cần có ý thức luôn nâng cao trình độ” – ông Hoàng Nam Tiến cho hay.
Theo Diendandoanhnghiepvn