Lãi suất tiếp kiệm nhiều ngân hàng tiếp tục giảm

THĐS- Một số ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tiếp tục giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp. Trong đó, Vietcombank đã giảm lãi suất xuống 2,8%/năm đối với kỳ hạn 1, 2 tháng.

Vietcombank vừa thông báo giảm thêm 0,2% lãi suất tiết kiệm tiền đồng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1, 2 tháng xuống còn 2,8%/năm; 3 tháng còn 3,1%, 6 tháng còn 4,1%, 12 tháng trở lên còn 5,1%. Trong khi đó, 3 ngân hàng còn lại là BIDV, Agribank, Vietinbank chi phối giữ nguyên lãi suất ở mức 3%/năm đối với kỳ hạn 1 – 2 tháng, 3 – 5 tháng ở mức 3,3%, 6 tháng ở mức 4,3%, 12 tháng trở lên ở mức 5,3%.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng có điều chỉnh nhẹ lãi huy động vào những ngày đầu tháng 11.

Lãi suất tiếp kiệm nhiều ngân hàng tiếp tục giảm

Tại Sacombank, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 3 tháng từ 3,9% xuống 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,3% xuống còn 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 6,2% xuống 5,6%/năm; kỳ hạn 24 tháng từ 6,5% xuống 5,8%/năm.

Tại VPBank, lãi suất ngân hàng gửi tiết kiệm giảm ở kỳ hạn 3 tháng, từ 4,25% xuống 4,1%/năm. Lãi suất ngân hàng các kỳ hạn còn lại giữ nguyên.

Tương tự, BaoVietBank, lãi suất ngân hàng trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn 6 tháng từ 5,8% xuống 5,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng từ 6,1% xuống 5,9%/năm.

Đặc biệt, đối với ACB, nếu tiền gửi dưới 200 triệu đồng, kỳ hạn 1, 2, 3 tháng lần lượt là 3,4%, 3,5%, 3,6%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với ngày hôm qua.

Đáng chú ý, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5% xuống còn 4,6%/năm. Kỳ hạn 9 tháng giảm từ 5,1% xuống còn 4,65%/năm và kỳ hạn 12 tháng giảm từ 5,5% xuống còn 4,7%/năm.

ACB cộng thêm 0,1 điểm phần trăm với mỗi mức tiền gửi khác nhau như từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, từ 1-5 tỷ đồng và từ 5 tỷ đồng trở lên. Với cách tính lãi suất luỹ tiến như trên, lãi suất cao nhất tại ACB là 4,9%/năm kỳ hạn 12 tháng nếu khách gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.

ACB là ngân hàng trả lãi huy động thấp nhất thị trường ở kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Lãi suất các kỳ hạn còn lại cũng đang gần như thấp nhất thị trường.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/10, tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2022 đạt 7,1%. Vào đầu tháng 10, tăng trưởng tín dụng giảm xuống 6,29% sau khi đạt được 6,92% vào cuối tháng 9. Hiện tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều ngân hàng đang đối mặt với tình trạng “thừa tiền”, huy động được nguồn vốn đắt đỏ nhưng không thể cho vay kịp, khiến kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng. Tình trạng trên đã được phản ánh trong báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân khi thu nhập lãi thuần suy yếu.

Để cải thiện tình trạng thừa tiền, các ngân hàng vừa hạ lãi suất cho vay vừa giảm lãi suất tiền gửi để giúp chi phí vốn đi xuống, thúc đẩy nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

theo Tài Chính Doanh nghiệp