Nhà hát chèo Việt Nam chuyển mình trước vận hội mới

Từ ngày 1.7 hợp nhất 3 nhà hát gồm: Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam. Phóng viên Lao Động đã có mặt tại Nhà hát Chèo Việt Nam vào một buổi tối cuối tháng 6 và chứng kiến rạp Kim Mã sáng đèn, đón hàng trăm khán giả xem vở diễn “Xúy Vân”.

Vở kịch “Xúy Vân” do Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng, biểu diễn. Ảnh: Thùy Trang

Sức sống của chèo giữa thời hiện đại

Trước cửa Nhà hát Chèo Việt Nam, phóng viên gặp Phan Minh Châm (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đang hỏi mua vé xem vở chèo “Xúy Vân”. Cả hai đêm diễn 28 và 29.6 đều đã hết vé, khiến cô gái trẻ không khỏi bất ngờ. Nóng lòng muốn được thưởng thức vở diễn, Minh Châm may mắn mua được tấm vé cuối cùng, dù vị trí sát rìa sân khấu không mấy lý tưởng.

Minh Châm chia sẻ, cô yêu chèo từ nhỏ qua những buổi xem cùng ông bà ở hội làng. Khi biết “Xúy Vân” được dàn dựng và biểu diễn trở lại sau 7 năm, cô lập tức tới rạp ngay sau giờ tan làm.

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, TS.NSND Lê Tuấn Cường – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam – khẳng định, “Xúy Vân” là 1 trong 7 viên ngọc quý của nghệ thuật chèo, bên cạnh “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Từ Thức”, “Trương Viên”, “Chu Mãi Thần”, “Tôn Mạnh – Tôn Trọng”. Qua biến động lịch sử và dòng chảy lịch sử, những vở chèo kinh điển vẫn được khán giả đón nhận.

Những năm qua, ở cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Lê Tuấn Cường đã chèo lái nhà hát tổ chức nhiều sự kiện, rạp Kim Mã tháng nào cũng đỏ đèn, đời sống anh em nghệ sĩ cũng tốt hơn nhiều, được tăng bồi dưỡng.

NSND Lê Tuấn Cường cho rằng: “Khi cuộc sống thay đổi, hành động cũng thay đổi. Chúng ta không thể ngồi một chỗ chờ khán giả đến mua vé, xem chèo.

Tương lai mới cho chèo

Về việc Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam vào ngày 1.7, NSND Lê Tuấn Cường bày tỏ sự lạc quan, mong chờ vì giờ đây, 3 nhà hát sẽ trở nên tinh – gọn – mạnh, có thêm nhiều cơ hội, mở ra tiềm năng để đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng.

“Tôi không đổ lỗi cho ai, tôi muốn tư duy, thay đổi để thu hút khán giả đến rạp, từ đó nghệ sĩ có đời sống tốt hơn, cống hiến hết mình cho chèo. Người bi quan thì đổ lỗi cho gió, người lạc quan thì mong gió đổi chiều, nhưng người thực tế phải chỉnh lại cánh buồm. Tôi luôn mong kiến thức, nghệ thuật hay chuyên môn đi ra khỏi trang sách, đi vào cuộc đời” – NSND Lê Tuấn Cường nói.

Từ tiết mục “Đào liễu” mang âm hưởng chèo của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chỉ ra, rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam cũng kế thừa chất liệu truyền thống và đưa vào trong sáng tác như: Phó Đức Phương, An Thuyên… Hay chính nhạc sĩ Giáng Son – con của NSND Hoàng Kiều, tác giả vở kịch kinh điển “Xúy Vân” – cũng kế thừa nét đẹp của âm nhạc truyền thống trong những tác phẩm của mình.

Để bảo tồn chèo truyền thống và phát triển chèo đương đại, cần được thực hiện có chọn lọc, đánh giá kỹ lưỡng những tác phẩm tiêu biểu có giá trị cao về cả nội dung và hình thức nghệ thuật, đặc biệt phải giữ được “chất chèo” và mang đậm dấu ấn bản sắc dân tộc Việt Nam.

Theo Báo Lao Động

Bài viết liên quan