AI – “chìa khóa mới” của kinh doanh bền vững

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công cụ chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

AI đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong kinh doanh bền vững

Từ những tập đoàn lớn như Google đến các startup như NearMe, AI đang được ứng dụng sáng tạo để thúc đẩy kinh doanh bền vững. Việt Nam có thể rút ra bài học từ những thành công quốc tế này, đồng thời tìm giải pháp vượt qua thách thức địa phương để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ.

AI “mở khóa” kinh doanh bền vững

AI đã và đang tạo ra sự thay đổi lớn trong nhiều ngành công nghiệp, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa vận hành và xây dựng mô hình bền vững. Một ví dụ điển hình là NearMe, Inc., một startup Nhật Bản, sử dụng AI để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Với dịch vụ nearMe.Airport, công ty kết nối hành khách có cùng hướng đi, tối ưu hóa lộ trình và giảm đáng kể khí thải carbon.

Thuật toán AI giúp tối ưu hóa lộ trình, giảm thời gian chờ và kết nối các hành khách có cùng hướng đi. Kết quả là chi phí vận hành giảm đáng kể, và quan trọng hơn, lượng khí thải carbon từ giao thông cũng được cắt giảm.

Cũng với AI, tập đoàn lớn như Google cũng đang cách mạng hóa lĩnh vực tiếp thị và nghiên cứu khách hàng. AI giúp các thương hiệu hiểu rõ hơn về thị trường, tạo ra các khuyến nghị phù hợp, đồng thời mở ra những lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới.

Tại diễn đàn “Thương hiệu Dẫn dắt Bền vững 2024” do Vietnam Brand Purpose tổ chức, ông Amit Morya, Quản lý Chương trình Cấp cao tại Google, cho biết: “AI có thể giúp các thương hiệu từ những thị trường khác hiểu rõ hơn về thị trường địa phương và đưa ra các khuyến nghị tốt hơn cho người dùng. Đây là điều chưa từng có trước đây.”

Với AI, Google có thể phân tích thói quen tiêu dùng của khách hàng để đề xuất các sản phẩm bền vững, từ đó nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng có trách nhiệm. Ngoài ra, các nhà tiếp thị có thể sử dụng AI để giảm thiểu lãng phí trong quảng cáo, tập trung nguồn lực vào nhóm khách hàng phù hợp nhất.

Trong lĩnh vực quản lý bền vững, bà Betty Pallard, Phó Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng Xanh EuroCham tại Việt Nam cho biết các doanh nghiệp có thể hưởng lợi lớn nhờ tích hợp AI, IoT và BigData để đo lường các chỉ số môi trường gần thời gian thực.

Theo bà, các nhà máy tại Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn ISO 27001 ngày càng phổ biến, giúp dữ liệu thu thập và xử lý chính xác hơn. “Kết hợp AI và IoT có thể giúp các công ty đặt ra mục tiêu giảm phát thải và chứng minh điều đó một cách rõ ràng thông qua dữ liệu,” bà Betty Pallard, cũng là CEO công ty ESGs&Climate Consulting, cho biết.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới cách ứng dụng AI để mở khóa các cơ hội tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo hoặc nguồn vốn xanh (Ảnh: Vietnam Brand Purpose)

Thách thức và cơ hội của AI tại Việt Nam

Dù AI mang lại nhiều tiềm năng, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức đáng kể. Một trong những vấn đề lớn là dữ liệu thiếu minh bạch và mang tính thiên vị.

Amit Morya từ Google lưu ý: “Nếu dữ liệu chỉ dựa trên một nhóm nhất định, bạn sẽ có góc nhìn rất khác về Việt Nam so với khi thu thập dữ liệu từ các khu vực nông thôn.” Điều này cho thấy cần phát triển một hệ thống dữ liệu toàn diện hơn để phản ánh đúng bối cảnh thực tế.

Bà Betty Pallard cũng nhấn mạnh vào việc các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào các chỉ số hiệu suất (KPI) cụ thể và khả năng đo lường hiệu quả, thay vì chỉ sử dụng thuật ngữ “bền vững” một cách chung chung.

Tại Việt Nam, lượng phát thải dự báo tăng 15,7% mỗi năm. Dựa vào con số này, bà Betty gợi ý các doanh nghiệp có thể so sánh hiệu suất của mình với các công ty khác và xây dựng các giải pháp thiết kế dựa trên mục tiêu quốc gia và thị trường ASEAN.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hiểu nhầm rằng bền vững và lợi nhuận không thể song hành. Tuy nhiên, CEO Koichiro Takahara của NearMe đã chỉ ra rằng, nếu thiết kế đúng, các giải pháp bền vững không chỉ giảm phát thải mà còn tăng hiệu suất tài chính.

“Tôi nghĩ thiết kế dịch vụ bền vững rất quan trọng. Nhiều người nói rằng bền vững và lợi nhuận là hai điều mâu thuẫn, nhưng tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi cố gắng thiết kế dịch vụ mà bền vững và hành động giảm phát thải carbon đến như một kết quả tự nhiên,” ông cho biết tại diễn đàn. Dịch vụ nearMe.Airport của ông đã thu hút hơn 850.000 người dùng vào tháng 8/2024, tăng gần gấp 3 so với tháng 3/2023.

“AI cũng mang lại cơ hội lớn trong việc thúc đẩy tài chính xanh tại Việt Nam. Xu hướng các khoản vay liên kết bền vững, với điều kiện vay dựa trên hiệu suất ESG, đang mở ra nguồn vốn mới cho các doanh nghiệp tích cực đổi mới”, bà Betty Pallard cho biết,

Theo bà Betty Pallard, bảo hiểm rủi ro khí hậu cũng sẽ là một lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy đầu tư bền vững tại Việt Nam. Đây là cơ hội lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần sớm khai thác.

Tại Việt Nam, tiềm năng ứng dụng AI trong kinh doanh bền vững là rất lớn, từ tối ưu hóa vận hành đến tiếp cận nguồn vốn xanh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức quốc tế. Với chiến lược đúng đắn và sự đầu tư bài bản, AI có thể trở thành cầu nối quan trọng giữa lợi nhuận và sự bền vững, đưa doanh nghiệp Việt Nam tiến xa hơn trong hành trình bảo vệ môi trường và phát triển lâu dài.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp