Quan hệ bạn bè thường dăm bảy đường. Cũng thế, quan hệ đối tác chiến lược chưa chắc đều giống nhau. Trong bối cảnh đó, quan hệ Ấn Độ – Việt Nam nổi bật bởi tính thực chất và cùng có lợi.
Ấn Độ không phải là nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam sớm nhất (năm 2016), sau Trung Quốc tới 8 năm (2008) và Nga 4 năm (2012), song cũng thuộc nhóm quan hệ xuất phát từ truyền thống ý thức hệ chung, đặc điểm khiến cho quan hệ Ấn – Việt có phần gắn bó hơn.
Những thông điệp của năm 2024
Đây chính là khẳng định của ông Shri Jaideep Mazumdar, quốc vụ khanh đặc trách hướng Đông thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ, tối 1-8 trước giới báo chí nước này:
“Việt Nam là một trong những đối tác gần gũi nhất của chúng ta tại khu vực ASEAN và là trụ cột trong chính sách Hành động hướng Đông. Việt Nam hiện là nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng…, và tương tự tầm nhìn Viksit Bharat 2047 của chúng ta, họ cũng có tầm nhìn Việt Nam 2045 để trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao”.
Ông cũng nhấn mạnh tầm mức quan hệ Ấn – Việt rất cao hiện tại qua chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính:
“Thực ra, ông đã gặp Thủ tướng chúng ta ba lần vào năm ngoái, nhưng đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới Ấn Độ và là chuyến thăm rất quan trọng, diễn ra 8 năm sau chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng chúng ta Modi tới Việt Nam, khi mối quan hệ song phương được nâng lên mức cao nhất với họ: quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.
Trong chiều kích lịch sử, mối quan hệ ngày nay không do đột biến tình thế, mà là từ “mối quan hệ lâu dài, lịch sử và văn minh, đã phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như quốc phòng và an ninh”, theo lời ông Mazumdar nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Bộ Quốc phòng hai nước cũng đã họp phiên đối thoại chính sách lần thứ 14 do Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Shri Giridhar Aramane đồng chủ trì.
Trong cuộc họp, hai bên đã xem xét phạm vi các vấn đề hợp tác quốc phòng song phương và ghi nhận tiến triển trong quan hệ sau khi ký. “Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Ấn Độ – Việt Nam hướng tới năm 2030” vào tháng 6-2022 trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khi đó Rajnath Singh.
Nhân dịp này, phía Việt Nam đề xuất 5 lĩnh vực trọng tâm hợp tác, trong đó nổi bật là công nghiệp quốc phòng. (Các lĩnh vực kia là an ninh mạng, an ninh thông tin, y học quân sự, tìm kiếm và cứu nạn tàu ngầm).
Sau cuộc họp, hai bên đã ký thư bày tỏ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, bao gồm trao đổi giảng viên và chuyên gia (“Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ lần thứ 14”, báo QĐND 1-8).
Trong chiều hướng đó, một tuyên bố chung về việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và kế hoạch hành động cho 5 năm tới, 2024-2028, là hai kết quả chính của chuyến thăm. Ngoài ra, hai bên còn ký tổng cộng 9 thỏa thuận (trang chủ của Bộ Ngoại giao Ấn Độ mea.gov.in 1-8).
Dấu ấn của Thủ tướng Modi
Theo phân tích của International Crisis Group tựa đề “Băng mỏng trên dãy Himalaya: Xử lý tranh chấp biên giới Ấn – Trung”, căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ song phương dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nắm quyền từ năm 2012, và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đắc cử năm 2014. Mỗi bên đều quyết đoán hơn so với trước kia, và đều thể hiện niềm tin cần phô trương sức mạnh quân sự.
Đầu tháng 12-2012, Trung Quốc loan báo cảnh sát Hải Nam sẽ được phép tầm soát và bắt giữ tàu nước ngoài hoạt động trong các vùng biển của Trung Quốc kề từ đầu năm sau. Đô đốc Ấn Độ D. K Joshi lập tức khẳng định rằng Ấn Độ sẽ không lùi bước trong việc bảo vệ các lợi ích hàng hải và kinh tế của mình ở Biển Đông.
Tác giả Zachary Fillingham viết trên Oil Price 6-12-2012 rằng dù Ấn Độ không có yêu sách lãnh thổ trực tiếp ở khu vực, vùng biển này có tầm quan trọng chiến lược với New Delhi vì ba lý do.
Thứ nhất, giống như bất kỳ quốc gia nào phụ thuộc vào thương mại, Biển Đông là tuyến vận chuyển toàn cầu quan trọng và quyền tự do hàng hải phải được duy trì. Thứ hai, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) tham gia khai thác một phần vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Và thứ ba, cũng có lẽ quan trọng nhất, Biển Đông là cơ hội để Ấn Độ đáp trả chiến lược bao vây “chuỗi ngọc trai” bằng hải quân của Trung Quốc với tiểu lục địa Nam Á.
Tiếp đến năm 2014, vụ giàn khoan Hải Dương 981 nổ ra vào đầu tháng 5, cũng là tháng mà tân Thủ tướng Modi nhậm chức, vào ngày 26-5-2014.
Ngày 12-11 năm đó, ra mắt tại Thượng đỉnh Ấn Độ – Asean lần thứ 12 tại Myanmar, ông Modi tuyên bố: “Trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, không có lựa chọn nào khác là tuân theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng áp dụng cho an ninh hàng hải. Vì lý do đó, tại Biển Đông cũng thế, tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế là điều quan trọng đối với hòa bình và ổn định” (“Hành động phía Đông của Ấn Độ”, dangcongsan.vn 21-11-2014).
Hai năm sau, quan hệ Ấn – Việt được nâng lên cấp cao nhất nhân chuyến thăm của ông Modi tới Việt Nam vào tháng 9-2016. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ sau 15 năm tới Việt Nam, như bằng chứng cho thấy New Delhi không còn ngần ngại mở rộng sự hiện diện ở Đông Nam Á.
Nhận định về sự kiện này, Harsh V. Pant, tác giả nghiên cứu “Ấn Độ – Việt Nam: Đối tác chiến lược đang hình thành”, nhấn mạnh chủ hướng của Thủ tướng Modi với Việt Nam:
“Chính phủ Modi không hề che giấu mong muốn đóng vai trò quyết đoán hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bản thân ông đã lập luận rằng Ấn Độ có thể là điểm tựa cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định ở châu Á và châu Phi. Do đó, một sự tiếp cận tham vọng hơn với Việt Nam sẽ không có gì đáng ngạc nhiên”.
Những giúp đỡ qua lại vì thế cũng diễn ra đều đặn hơn. Tỉ như việc hải quân Ấn Độ năm 2013 đã đào tạo hơn 500 thủy thủ tàu ngầm của hải quân Việt Nam để vận hành tàu ngầm lớp Kilo tại căn cứ đào tạo tàu ngầm INS Satavahana.
Ấn Độ vốn có nhiều kinh nghiệm với tàu ngầm lớp Kilo của Nga, mà họ đã sở hữu từ tận giữa những năm 1980 (“Ấn Độ huấn luyện cho 500 thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam”, laodong.vn 24-11-2013). Rồi hôm 28-10-2014, đích thân Thủ tướng Modi tuyên bố sẽ tháo khoán 100 triệu USD giúp Việt Nam mua thiết bị quốc phòng từ Ấn Độ.
Trong chuyến thăm Việt Nam lịch sử năm 2016, Thủ tướng Modi tiếp tục công bố khoản tín dụng mới trị giá 500 triệu đô la để mua sắm thiết bị quốc phòng. Tháng 12 năm đó, Ấn Độ đồng ý đào tạo phi công Việt Nam lái máy bay Sukhoi.
Hai năm sau nữa, The Economic Times 12-7-2018 cho biết Ấn Độ đã xây dựng trung tâm theo dõi và hình ảnh vệ tinh gần TP.HCM, do Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) tài trợ, với chi phí ước tính 23 triệu đô la.
Qua cơ sở này, ISRO sẽ có thể theo dõi và tiếp nhận dữ liệu từ vệ tinh được phóng từ Ấn Độ và cung cấp cho Việt Nam quyền truy cập vào hình ảnh từ vệ tinh quan sát trái đất của Ấn Độ bao phủ Biển Đông. (“Ấn Độ phát triển trạm thu thập xử lý dữ liệu vệ tinh ở Việt Nam”, Vietnamplus.vn 11-3-2016).
Còn mới đây nhất, hôm 1-8, chính phủ Modi loan báo 300 triệu đô la tín dụng giúp Việt Nam xây dựng an ninh biển, sau khi đã tặng môt tàu hộ tống trang bị tên lửa đang hoạt động vào tháng 7-2023 (“Ấn Độ chuẩn bị bàn giao tàu hải quân cho Việt Nam”, vov.vn 9-7-2023).