An Giang: Nông dân Châu Thành thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú nông dân

Tư duy mới, năng động, sáng tạo trong các mô hình sản xuất giúp nhiều nông dân huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) làm giàu trên mảnh đất quê hương. Họ còn nhiệt tình giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội – từ thiện tại địa phương…

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi cho biết, là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, huyện Châu Thành luôn quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, phương thức canh tác, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường.

Nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm và nhân rộng phát triển các giống cây trồng, vật nuôi mới, phá vỡ thế độc canh cây lúa, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao, với các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP; trồng màu, cây ăn trái trong nhà kính vừa đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa có nguồn nông sản chất lượng cung ứng cho thị trường.

Mô hình nuôi dê của anh Hà Minh Ngoan, ngụ ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang

Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh (SXKD) giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đạt nhiều kết quả tích cực, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo động lực khích lệ nông dân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.

Qua phong trào, đã xuất hiện và nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

Tiêu biểu, như: Mô hình nhân giống và trồng hoa kiểng trong nhà màng của ông Phan Minh Mẫn (ngụ thị trấn An Châu); trồng đậu nành rau của ông La Tráng Kiện (xã Vĩnh Thành); trồng nấm linh chi, nấm bào ngư và sản xuất phôi giống của Tổ dịch vụ nông nghiệp Tín Đạt của ông Huỳnh Minh Kiển (xã Bình Hòa

Ngoài ra, nhiều nông dân đi đầu trong việc tập hợp nông dân tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông sản trong quá trình SXKD. Điển hình, như: Tổ hợp tác sản xuất lúa giống Bình An 2 của ông Nguyễn Hoàng Sơn (xã An Hòa), tổ hợp tác sản xuất lúa giống Vĩnh Thuận của ông Nguyễn Thanh Tài (xã Vĩnh Nhuận)…

Với quyết tâm vươn lên làm giàu từ quê hương của mình, anh Hà Minh Ngoan (ngụ ấp An Phú, xã An Hòa) đã học hỏi kinh nghiệm để chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi dê giống kết hợp dê thịt thương phẩm. Với trang trại rộng 200m2, anh Ngoan nuôi gần 200 con dê. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng từ bán thịt và dê giống.

“Thị trường tiêu thụ dê thịt, dê giống hiện rất ổn định, nhiều thương lái đến tận nhà để mua. Để đàn dê khỏe mạnh và phát triển tốt, ngoài việc chọn con giống tốt, cần phải đảm bảo đầy đủ lượng thức ăn, đặc biệt chú ý theo dõi sức khỏe của dê để kịp thời xử lý nếu bị bệnh” – anh Ngoan chia sẻ.

Mô hình trồng nấm của nông dân huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Hội Nông dân huyện Châu Thành còn tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng hành, giúp đỡ hội viên nghèo phát triển kinh tế gia đình. Hoạt động hỗ trợ tín dụng được hội nông dân các cấp quan tâm thực hiện. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đang quản lý 1,67 tỷ đồng. Qua đó, đã hỗ trợ việc làm, tạo điều kiện cho hội viên nông dân tăng thu nhập hàng năm từ 25-30 triệu đồng/hộ.

Ngoài ra, các cấp hội còn kết hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân cho 1.324 hộ nghèo, cận nghèo, học sinh – sinh viên, giải quyết việc làm; mở rộng, phát triển SXKD, với tổng số tiền 28 tỷ đồng. Nhìn chung, các mô hình hỗ trợ vay vốn đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập…

Bên cạnh thi đua SXKD giỏi, Hội Nông dân huyện Châu Thành đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các phong trào phát triển KTXH, giúp nhau phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, chăm lo đời sống cho hội viên và gia đình. Đồng thời, tích cực tham gia phong trào xây dựng và phát triển NTM, thường xuyên giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, đi đầu trong tổ chức vận động tiền và công lao động để xây dựng nhà Đại đoàn kết; sửa chữa, nâng cấp cầu, đường nông thôn…

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Hội Nông dân huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với xây dựng NTM và thực hiện an sinh xã hội. Phối hợp các ngành chức năng thường xuyên tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; duy trì và nhân rộng những mô hình làm ăn tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Theo Danviet