“Ảo giác” về vẻ đẹp hoàn hảo

Sự bùng nổ của các cuộc thi sắc đẹp trong những năm gần đây là biểu hiện cho thấy thị hiếu của công chúng xã hội, xu hướng tôn sùng vẻ đẹp hoàn hảo. Nhưng cùng với việc truyền thông tràn ngập về các cuộc thi sắc đẹp, thì theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), các tiêu chí của vẻ đẹp phi thực tế càng gây sức ép lên phụ nữ và xã hội nói chung.

Thương mại hóa cơ thể?

Việt Nam đang trở thành cường quốc thi hoa hậu với hàng chục cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Theo bà, điều đó thể hiện gì về nhu cầu của công chúng xã hội?
Việc con người hướng tới cái đẹp là điều rất tự nhiên, nhất là người Việt Nam bây giờ có điều kiện để khao khát cái đẹp sau nhiều chục năm phải kìm nén nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, coi đó là xa xỉ. Bây giờ được phép bày tỏ, thể hiện, khao khát thì người ta thấy điều đấy là tuyệt vời, cảm thấy thích thú và hạnh phúc khi có nhiều cuộc thi, nhiều người đẹp, nhất là khi diễn ngôn chung của các cuộc thi sắc đẹp là gắn liền với lòng tự hào dân tộc, các hoa hậu là đại diện cho Việt Nam. Có lẽ, sau nhiều năm thiếu thốn, mặc cảm thấp kém, nghèo hèn, bây giờ người ta tự hào về những thứ sẽ giúp Việt Nam khẳng định vị trí rằng chúng tôi không kém, không xấu, chúng tôi có người rất đẹp, rất giỏi, có sản phẩm tốt.
Nhìn chung phần lớn công chúng và giới truyền thông đại chúng cho rằng các cuộc thi này giúp nâng cao thế mạnh của người Việt Nam, tôn vinh vị thế của Việt Nam với thế giới. Rất ít người nhìn thấy khía cạnh thương mại hóa cơ thể người phụ nữ, cũng như việc các cuộc thi này và truyền thông rầm rộ đang tạo ra, củng cố các chuẩn mực sắc đẹp hoàn hảo phi thực tế, áp lực mà các chuẩn mực ấy tạo ra cho phụ nữ.
Ảnh: CAND

“Công nghiệp sắc đẹp” có gì là không tốt cho phụ nữ?

Thường thì số đông công chúng, truyền thông và các hội đoàn của phụ nữ không nhìn thấy sự nguy hại của cuộc thi này ở chỗ nó tôn vinh những vẻ đẹp hoàn hảo phi thực tế, khiến nhiều phụ nữ bị ám ảnh, chạy theo những cách làm đẹp tốn kém, thậm chí nguy hại đến sức khỏe và tính mạng cốt để đạt được các tiêu chuẩn của một vẻ đẹp nhân tạo. Chính Hội phụ nữ cũng tổ chức ra hoa hậu áo dài, nữ sinh thanh lịch rồi Công đoàn cũng tổ chức thi công đoàn viên thanh lịch, rất nhiều các cuộc thi hoa khôi, hoa hậu ở các độ tuổi, các cấp độ ở khắp mọi nơi.
Chẳng hạn, về chiều cao, tôi nhớ trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên thì hoa hậu Việt Nam cao 1,58m, nhưng giờ đây hoa hậu đã cao 1,7-1,8 m. Trước đây, nỗi ám ảnh, nỗi mặc cảm chiều cao hầu như không được đề cập tới, cho đến khi các tiêu chuẩn hình thể của người phương Tây được áp dụng vào các cuộc thi hoa hậu dồn dập thì chiều cao mới tự nhiên trở thành vấn đề. Phần lớn những tiêu chuẩn khác như da trắng, mắt to, mũi cao đều dập khuôn theo vẻ đẹp phương Tây.
Trong khi các chuẩn mực được tôn vinh ấy không thực sự đại diện cho vẻ đẹp đa dạng của phụ nữ Việt Nam thì nó lại nguy hiểm ở chỗ tạo ra “ảo giác” rằng đẹp thì phải như vậy. Các kênh truyền thông cũng góp phần tôn vinh vẻ đẹp theo kiểu phương Tây là hoàn hảo khiến hàng triệu phụ nữ Việt Nam ám ảnh bởi vẻ đẹp của làn da trắng, sống mũi cao mắt hai mí to, khuôn mặt V-line, đôi chân dài trên một mét …Vẻ đẹp này có lẽ đã trở thành ước mơ của hàng triệu bé gái trên đất nước này.
Nhưng cũng có ý kiến nói rằng các cuộc thi ra đời là do nhu cầu xã hội, và biết đâu theo đuổi điều đó lại tốt cho phụ nữ?
Không, nó không thực sự tốt cho phụ nữ nói chung, nó tốt cho túi tiền của những người kinh doanh sắc đẹp. Phụ nữ nên biết làm đẹp nhưng tạo ra một ngành công nghiệp để lôi cuốn hàng triệu phụ nữ chỉ mơ đổi đời nhờ vương miện thì có phải là việc nên làm? Một vài nhãn hàng, một số doanh nghiệp có thể tổ chức thi hoa hậu để quảng bá cho thương hiệu của mình cũng không sao nhưng nếu biến thi hoa hậu thành ngành công nghiệp hoa hậu, thành cỗ máy kiếm tiền cho môt vài cá nhân rồi gán cho nó cái mác là đại diện cho phụ nữ Việt Nam hay khoác cho nó cái áo chính trị là  niềm tự hào quốc gia thì có đúng không?
Có ý kiến cho rằng các cuộc thi hoa hậu ra đời nhiều như vậy vì xã hội thực sự có nhu cầu. Còn những ai không muốn xem thì cứ tắt ti vi đi nhưng có gì hay khi tôn vinh những chuẩn rập khuôn về vẻ đẹp thay vì tôn trọng vẻ đẹp đa dạng của con người và khuyến khích người ta tự tin về cơ thể của mình và trân trọng nó.

Đã nhiều năm nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu cho thấy các cuộc thi hoa hậu là một cách thương mại hóa cơ thể người phụ nữ chứ thực ra không mang lại lợi ích cho giới nữ nói chung. Vì những cuộc thi đó đưa ra tiêu chuẩn về vẻ đẹp để cho phụ nữ noi theo, người ta lợi dụng cơ thể người phụ nữ để bán hàng cho chính phụ nữ. Đằng sau những cuộc thi sắc đẹp là cả một ngành công nghiệp làm đẹp hưởng lợi rất nhiều từ kết quả cũng như toàn bộ quá trình của các cuộc thi đó. Các nhãn hàng, với nguồn marketing khổng lồ nhắm vào phụ nữ, thúc đẩy họ  chi tiền cho phẫu thuật thẩm mỹ, cho các loại mỹ phẩm được quảng cáo để đuổi theo vẻ đẹp của các hoa hậu. Nhìn chung có thể nói là các cuộc thi hoa hậu không tạo ra tiêu chuẩn vẻ đẹp chung chung mà là các tiêu chuẩn vẻ đẹp để bán được hàng.

Nhìn chung có thể nói là các cuộc thi hoa hậu không tạo ra tiêu chuẩn vẻ đẹp chung chung mà là các tiêu chuẩn vẻ đẹp để bán được hàng.

Hình ảnh về cái đẹp lý tưởng ngày càng cực đoan hơn bao giờ hết. Thậm chí những đứa trẻ 3-4 tuổi cũng được “dạy” để trở nên gợi cảm hơn trong các quảng cáo và trong toàn bộ văn hóa đại chúng. Ngay từ khi còn rất nhỏ, các bé gái đã được dạy rằng phải trở nên nóng bỏng và gợi cảm cùng với khuôn mặt xinh đẹp hoàn hảo và cơ thể mảnh mai. Mọi bộ phận trên cơ thể phụ nữ được khai thác một cách triệt để để bán mọi sản phẩm, từ dầu gội đầu đến chai nước ngọt.

Miss Baby Viet Nam 2019 trao vương miện cho Miss Baby Viet Nam 2020 tại cuộc thi Miss Baby Vietnam 2020. Theo điểm a, khoản 1 Điều 5 Quy chế tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp ban hành kèm theo Quyết định số 87/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định thí sinh phải từ 18 tuổi trở lên Ảnh: Daidoanket

Đâu là ranh giới giữa vẻ đẹp mà phụ nữ tự nhiên mong muốn và vẻ đẹp hoàn hảo bị truyền thông, quảng cáo tới mức thành áp lực?

Quá nhiều nguồn thông tin từ quảng cáo, báo chí, sách vở đều nói với phụ nữ ở mọi độ tuổi, kể cả những đứa trẻ con đi học mẫu giáo rằng chân dài, mũi cao, da trắng, mắt to mới là đẹp. Tất cả những điều đó trở thành mặc nhiên đến mức người ta thậm chí còn không đặt câu hỏi tại sao cứ phải như thế mới là đẹp, tại sao lại không tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên đa dạng của phụ nữ.
Đáng lẽ báo chí truyền thông phải tỉnh táo không nên đưa tin quá đà thì ngược lại quá tập trung vào đưa tin về vẻ đẹp của từng bộ phận trên thân thể của các người đẹp dự thi, đưa tin chi tiết về tiền kỳ, hậu kỳ của các cuộc thi, trên khắp các đài truyền hình quốc gia, khắp các mặt báo. Sau đó là seri các tin tức về cuộc sống giàu sang, nhung lụa của các cô gái sau đăng quang. Ở phương Tây, cái nôi sinh ra các cuộc thi hoa hậu, truyền thông cho các cuộc thi hoa hậu cũng không rầm rộ như vậy. Thông điệp từ các kênh truyền thông của chúng ta là gì nếu không phải là niềm tin rằng có sắc đẹp là có cuộc sống xa hoa sung sướng.
Thông điệp từ các kênh truyền thông của chúng ta mang lại niềm tin rằng có sắc đẹp là có cuộc sống xa hoa sung sướng. Những thông điệp đó rất nguy hại vì nó gây nên ảo giác rằng chỉ cần có sắc đẹp là sẽ thành công trong cuộc đời.
Những thông điệp đó rất nguy hại vì nó đánh đồng cuộc sống vật chất xa hoa với sự thành công của người phụ nữ và gây nên ảo giác rằng chỉ cần có sắc đẹp là sẽ thành công trong cuộc đời. Những giá trị mà người Việt thường đề cao như lao động chuyên cần, siêng năng học hỏi, sáng tạo, năng động… để đi đến thành công trở nên lỗi thời. Hình ảnh những ngôi nhà dát vàng, những chiếc túi hàng hiệu giá hàng chục nghìn đô la, câu chuyện về những chuyến du lịch sang chảnh … của các hoa hậu, người đẹp được đông đảo các kênh truyền thông đại chúng đưa lên có thể khiến cho  giới trẻ nghĩ đấy mới chính là tiêu chí của sự thành đạt, là những giá trị mà họ phải hướng tới, là hình mẫu về một cuộc sống hạnh phúc mà phải họ phấn đấu đạt được.
Điều đó đi ngược lại những gì mà phụ nữ phải phấn đấu suốt bao nhiêu năm qua để khẳng định những giá trị quan trọng khác ngoài hình thể của mình như trí tuệ, bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, sự bền bỉ, óc sáng tạo, sự năng động … Các cuộc thi sắc đẹp tràn lan với sự tiếp tay của truyền thông đang có nguy cơ che mờ những giá trị đó. Đáng lo ngại là truyền thông ngày nay đã trở nên một thứ quyền lực cực kỳ mạnh mẽ  nên các tiêu chuẩn về hình thể mà nó tạo ra có nguy cơ khiến hàng triệu người tự nguyện hành xác bằng các chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt, hủy hoại sức khoẻ hoặc các cuộc đại phẫu sắc đẹp không hồi kết, bất chấp hậu quả, kể cả tính mạng. Ước mơ về vẻ đẹp hoàn hảo đang không ngừng ám ảnh họ.
Liệu có cách nào khiến cho các cuộc thi này biến thành một không gian để truyền bá những giá trị phù hợp với phụ nữ, giải phóng phụ nữ không?
Tôi không tin những cuộc thi này có thể trở thành nơi truyền bá những thông tin đó vì tiêu chí quan trọng nhất mà họ cần là đẹp hình thể. Thế làm sao để các nhà tổ chức nói ngược lại rằng vẻ đẹp hình thể không quan trọng và thúc đẩy những giá trị khác của phụ nữ? Còn truyền thông ư? Viết về vẻ đẹp của tài năng, của sự sáng tạo, lòng hảo tâm hay sự năng động của những tấm gương phụ nữ cần đầu tư nhiều thời gian và tâm trí hơn là chụp những bức hình người đẹp kiêu sa trên sân khấu lộng lẫy. Tạo nên và nuôi dưỡng thói quen tiêu dùng thông tin theo kiểu hời hợt như vậy dễ dãi hơn là kể những câu chuyện về những vẻ đẹp tinh thần đa dạng và giáo dục sự trân trọng những vẻ đẹp bình dị đời thường. Muốn viết về những vẻ đẹp đó để công chúng nhận ra và tôn vinh chúng cần phải có tâm và sự khổ luyện!

Người bình thường bị lãng quên?

Vậy truyền thông, và chính đại chúng lại có xu hướng bỏ qua những người phụ nữ bình thường?

Vâng, quá chú ý đến người đẹp sẽ dẫn đến việc bỏ qua những người phụ nữ quanh ta – những người chiếm đại đa số trong phụ nữ. Các chương trình quảng cáo trên truyền hình cũng có xu hướng tương tự như các tạp chí thời trang. Phụ nữ có tuổi, phụ nữ béo, phụ nữ gầy không bao giờ có mặt trong các quảng cáo thời trang. Điều đó phải chăng nên được hiểu là những người này không cần thời trang, họ không cần phải mặc đẹp? Thương hiệu thời trang Lane Bryant của Mỹ đã khuấy động cuộc tranh cãi xung quanh một quảng cáo trên tivi giới thiệu môt người mẫu ngoại cỡ trong các mẫu đồ lót mới. Tuy nhiên kênh truyền hình ABC và FOX thoạt đầu đã từ chối phát quảng cáo này trên chương trình Khiêu vũ cùng các ngôi sao và Thần tượng âm nhạc Hoa Kỳ, nói rằng nó “quá đặc biệt”. Sau đó thì hai kênh này cũng đồng ý cho quảng cáo nhưng lại đưa vào cuối chương trình. Lane Bryant đã nhận xét rằng trong khi rất miễn cưỡng để đưa quảng cáo này vào chương trình thì cả hai kênh đều rất sẵn lòng quảng cáo đồ lót của Victoria’Secret song song với chương trình đó. Sau rất nhiều tranh cãi qua lại, một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp: Tại sao những người phụ nữ bình thường – với cân nặng là 75kg và mặc quần áo cỡ 14 lại bị truyền thông bỏ qua?
Cuộc thi “Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam” đã không được các cơ quan chức năng cấp phép tổ chức. Một số thí sinh đã ghi danh từ khi cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam khởi động. Ảnh: vnexpress
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam. Khó mà có thể tìm thấy các quảng cáo với hình ảnh phụ nữ mập mạp hoặc gầy ốm với làn da vàng phổ biến với người Việt. Mọi quảng cáo trên truyền hình, phim ảnh hay các sản phẩm truyền thông khác, từ quảng cáo bột giặt, nước rửa bát, cây lau nhà hay mì gói cho đến phân bón, nhà đất, ô tô hay các dịch vụ ngân hàng, nếu có hình ảnh phụ nữ thì đó luôn luôn là những cô gái trẻ đẹp, mảnh mai, với làn da trắng không tì vết.
Và những cô gái trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn. Một tổng quan từ 21 nghiên cứu về tác động của truyền thông đối với hơn 6.000 thiếu nữ từ 10 tuổi trở lên phát hiện ra rằng những người thường xuyên xem các trang tạp chí thời trang thường không hài lòng với cơ thể của mình. Nhưng điều đó không chỉ dừng lại ở tạp chí thời trang. Các tạp chí phổ thông dành cho thanh thiếu niên như Disney Girl, Barbie, Total Girl cũng thường dạy cho các cô gái trẻ rằng cơ thể của họ cần phải được cải thiện.
Đối với các cô gái trẻ, họ quan niệm thế nào mới là phụ nữ? Hình ảnh nào được cho là lý tưởng để họ phải noi theo? Ví dụ, ở Hoa Kỳ, chiến lược tiếp thị của Công ty Walt Disney, một trong những nhà kinh doanh lớn nhất về lĩnh vực giải trí cho thanh thiếu niên, đã bị một số các nhà nghiên cứu chỉ trích là đưa ra những hình ảnh và thông điệp nhấn mạnh vẻ đẹp hình thức và những điều kiện vật chất để đạt được mục đích trở thành xinh đẹp.
Làm cách nào để phụ nữ bước ra khỏi những ma trận thông tin khiến cho chính phụ nữ trở nên căng thẳng hơn, tự ti hơn như vậy?
Trên thế giới thì người ta không còn hâm mộ các cuộc thi sắc đẹp nữa, thậm chí có nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các cuộc thi sắc đẹp. Không có những cách truyền thông rầm rộ cho các cuộc thi sắc đẹp hay các truyền thông nhấn mạnh vào vẻ đẹp của các cô gái một cách rộng rãi như ở Việt Nam hiện nay, để tránh tạo ra văn hóa ám ảnh về cơ thể.
Vấn đề là ở Việt Nam còn ít người ý thức được về điều này. Cần có các nghiên cứu, các sáng kiến truyền thông nhằm thúc đẩy và tài trợ các phân tích về vai trò và tác động của việc đưa hình ảnh các cô gái và phụ nữ lên truyền thông, không đánh đồng giữa vẻ đẹp cơ thể như một tiêu chí để tiến thân, thành công, giàu có và hạnh phúc.
Tầm quan trọng của vẻ đẹp bị thổi phồng tới mức mà những người không đẹp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong công việc và cuộc sống. Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy những phụ nữ gầy có thu nhập trung bình cao hơn khoảng 16,000USD mỗi năm so với những phụ nữ có cân nặng vừa phải. Một nghiên cứu khác phát hiện rằng 57 phần trăm nhà tuyển dụng cho biết là những ứng viên đạt yêu cầu chuyên môn nhưng không hấp dẫn thường gặp nhiều khó khăn hơn khi mới vào làm, và 61% các nhà quản lý (thường là nam) nói những phụ nữ mặc trang phục bó sát cơ thể tại nơi làm việc thường gặp nhiều thuận lợi hơn.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Theo Tia Sáng