Áp thuế tối thiểu toàn cầu, cơ hội để Việt Nam định vị lại chiến lược thu hút FDI

Còn chưa đầy nửa tháng nữa, cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được thực thi tại Việt Nam. Việc này được kỳ vọng mang lại cho Việt Nam cơ hội mới như tăng thu ngân sách, hội nhập quốc tế, nhưng cũng dự báo sẽ tác động lớn đến hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Từ ngày 1.1.2024, các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam (ảnh minh họa). Ảnh: Đức Mạnh

122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể chịu tác động

Bình Dương vốn được xem là thủ phủ công nghiệp của cả nước với hơn 4.000 doanh nghiệp FDI. Ước tính từ ngày 1.1.2024 khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, khoảng 44 doanh nghiệp FDI tại đây sẽ bị ảnh hưởng (áp dụng với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất). Mở rộng ra bức tranh chung, Tổng cục Thuế tính toán sẽ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng bởi loại thuế này.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – cho biết: “Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ mất đi một phần sức hút nhất định và có nhiều khó khăn trong thời gian ban đầu như làm sao giữ chân nhà đầu tư nước ngoài ở lại, tìm kiếm đối tác mới ra sao… Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng, ưu đãi thuế để thu hút FDI là cuộc cạnh tranh xuống đáy. Đây chính là cơ hội để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn, nhân lực chất lượng cao để thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Quan trọng là nâng tầm doanh nghiệp Việt để bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài. Khi đó, chúng ta có thể tham gia vào chuỗi giá trị để gia tăng lợi nhuận. Trình độ nhân lực, công nghệ cũng sẽ tăng lên, qua đó cải thiện sức hút với FDI”.

Cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh tế, củng cố lại các thế mạnh

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Trần Minh Trí – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam – đánh giá, về mặt dài hạn đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tái cấu trúc chiến lược thu hút FDI.

Dịch chuyển từ mô hình kinh tế truyền thống chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, tạo cơ sở hướng tới những dự án tỉ đô trong tương lai. Trước mắt, để duy trì lợi thế ưu đãi, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI…

“Trên thực tế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ thay thế những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng khi Việt Nam triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Đồng thời, đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang đầu tư ra nước ngoài, Việt Nam cần nghiên cứu quyền đánh thuế bổ sung nếu thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%” – ông Trí nói.

Theo vị chuyên gia, về nguyên tắc, việc hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng thì tối thiểu toàn cầu được thực hiện sau khi các doanh nghiệp đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thuế suất 15% tại Việt Nam theo cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn.

Việt Nam có thể dùng các khoản thu thuế này để hỗ trợ lại doanh nghiệp có khoản chi phí như: Chi phí nghiên cứu về phát triển, chi phí đầu tư trang thiết bị, chi phí sản xuất công nghệ cao (như Ấn Độ có chính sách hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo mỗi sản phẩm sản xuất bán ra).

Hơn nữa, chính sách hỗ trợ này sẽ áp dụng chung cho các doanh nghiệp và dựa trên đặc điểm, tính chất, tiêu chuẩn của từng loại hình doanh nghiệp. Do vậy, sẽ không vi phạm quy tắc không phân biệt đối xử và phù hợp với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận.

Theo Báo Lao Động