Gạo – “át chủ bài” của xuất khẩu nông sản năm 2023 được đánh giá có nhiều triển vọng tăng trưởng cả về số lượng và giá trị. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn bất an.
Vừa qua, gạo Việt Nam được Hội nghị Thượng đỉnh lúa gạo toàn cầu công nhận là gạo ngon nhất thế giới, một lần nữa khẳng định giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện, Việt Nam đã có 85% giống lúa mới, 89% gạo chất lượng cao, đây chính là ưu thế để Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo.
Trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 7,8 triệu tấn, tương ứng 4,4 tỉ USD, tăng 16% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay.
Thậm chí, nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới vẫn cao, nên cơ hội cho gạo Việt được đánh giá là còn rất lớn. Bởi vậy mà Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến dự báo, xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ lập kỷ lục cả về khối lượng và kim ngạch với 8,3-8,4 triệu tấn và giá trị đạt 4,7- 4,8 tỷ USD.
Đặc biệt, dư địa cho hạt gạo gia tăng giá trị được nhận định là vẫn còn rất lớn khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể kéo dài đến hết tháng 2 năm sau. Ngoài ra, Indonesia, Trung Quốc, Philippines vẫn có nhu cầu thu mua gạo dự trữ cao. Giá gạo Việt Nam vì thế tiếp tục tăng mạnh, hiện lên đỉnh mới là 663 USD/tấn và là mức cao nhất thế giới hiện nay.
Dù giá gạo đạt đỉnh, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu lại không mấy làm vui. Giá gạo liên tục leo đỉnh khiến giá thu mua vào của các doanh nghiệp cũng tiếp đà leo thang, thậm chí có những thời điểm giá gạo trong cùng ngày điều chỉnh 2-3 lần.
Giá quá cao, các doanh nghiệp không lấy được hàng để giao hợp đồng, mua mới thì thua lỗ rất nặng nhưng sau thời gian đó giá có thể không tăng đột biến. Gánh nặng tài chính đè nặng và rủi ro gia tăng khiến ngoài những doanh nghiệp lớn xuất đi thị trường cao cấp thì phần lớn còn lại doanh nghiệp không mấy mặn mà ký thêm hợp đồng mới.
Nói như vị Giám đốc một doanh nghiệp: “Năm nay, nông dân được hưởng lợi về giá gạo. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong giai đoạn giá xuất khẩu tăng mạnh bởi nhà cung ứng không giao hàng. Doanh nghiệp phải trả thêm tiền để được giao hàng với những hợp đồng đã ký với giá cũ. Ngoài ra, chi phí vốn lớn, lãi suất cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp không có lãi”.
Thế mới nói, dù giá gạo cao nhưng doanh nghiệp chưa hẳn mừng. Và Việt Nam dù đang đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng về sự ổn định trong tương lai thì chưa hề chắc chắn. Giá gạo trong nước trong khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề cũng là vấn đề được đặt ra trong bối cảnh giá gạo Việt ở quốc tế đu đỉnh. Làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của xuất khẩu và thị trường trong nước? Làm sao đảm bảo lợi ích của cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cả chặng đường dài là bài toán mà các cơ quan quản lý ngành phải tính toán rất kỹ càng.