Bàn giao tài sản công ra sao khi sáp nhập đơn vị hành chính

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể cách bàn giao tài sản công khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, tránh thất thoát tài sản, gián đoạn dịch vụ công.

Trụ sở Sở Giao thông Vận tải hiện tại ở Cà Mau sẽ được sắp xếp trước khi sáp nhập tỉnh. Ảnh: Nhật Hồ

Tài sản công được bàn giao thế nào khi sáp nhập đơn vị hành chính?

Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn 6606/BTC-QLCS hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, xử lý tài sản công khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Theo Công văn 6606, các cơ quan, đơn vị thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính phải kiểm kê và lập danh sách tài sản công đang quản lý. Căn cứ vào đề án sắp xếp đã được phê duyệt, việc bàn giao tài sản sẽ được thực hiện cho cơ quan, đơn vị mới tiếp nhận. Quá trình bàn giao phải lập biên bản rõ ràng.

Tài sản kết cấu hạ tầng được xử lý ra sao?

Tài sản do xã cũ quản lý: Được chuyển giao cho xã mới quản lý. Nếu xã cũ tách thành nhiều xã mới, tài sản sẽ được chia theo địa bàn; UBND cấp tỉnh quyết định nếu có tranh chấp.

Tài sản do huyện quản lý: Tài sản như thủy lợi, chợ sẽ do xã mới quản lý nếu nằm trong địa bàn. Tài sản phức tạp hơn sẽ do tỉnh xem xét, quyết định.

Tài sản cấp tỉnh: Được chuyển nguyên trạng sang đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau khi sắp xếp.

Tài sản xác lập sở hữu toàn dân và dự án vốn nhà nước

Các tài sản này nếu chưa xử lý xong sẽ được bàn giao cho đơn vị mới có trách nhiệm quản lý, xử lý tiếp. UBND tỉnh sẽ quyết định cụ thể việc phân công.

Với tài sản từ các dự án vốn nhà nước: nếu đã xác định rõ đơn vị thụ hưởng, phải bàn giao kịp thời kèm theo thông tin giá trị tài sản. Nếu chưa rõ đơn vị tiếp nhận, sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý.

Quản lý tài khoản tại Kho bạc Nhà nước

Công văn yêu cầu Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện phải chuyển toàn bộ tiền tạm giữ về Sở Tài chính, đảm bảo minh bạch, thống nhất trong quản lý tài chính sau sáp nhập.

Theo Báo Lao Động