Finastra – một trong những công ty công nghệ tài chính lớn nhất thế giới – mới đây đã công bố Khảo sát tình hình dịch vụ tài chính quốc gia năm 2023. Cuộc khảo sát này được thực hiện ở một số nền kinh tế chủ chốt ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo trang Vietnam Briefing, khảo sát toàn cầu hàng năm của Finastra vừa công bố cho thấy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới khác đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển lâu dài của ngành tài chính Việt Nam. Sự ra đời của công nghệ mới và AI không chỉ tạo ra vô số cơ hội phát triển sản phẩm mà còn rút ngắn thời gian giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế vượt trội.
Trên tinh thần đó, các công ty mong muốn có thể theo dõi sự phát triển của công nghệ mới và AI tại Việt Nam. Chẳng hạn như Finastra đã công bố kết quả Khảo sát hiện trạng dịch vụ tài chính quốc gia năm 2023, qua đó tiết lộ một số phát hiện quan trọng liên quan đến các công nghệ mới đang được sử dụng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính ở quốc gia Đông Nam Á.
Những phát hiện này cho thấy công nghệ mới sẽ đưa Việt Nam tiến lên phía trước.
AI trong dịch vụ tài chính
Theo Finastra, 94% tổ chức tài chính ở Việt Nam rất hào hứng với những cơ hội mà AI mang lại cho ngành. Điều đó còn được thể hiện qua việc triển khai rộng rãi AI trong các ứng dụng ngân hàng điện tử và ví điện tử tại Việt Nam.
Chẳng hạn như TPBank đã triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào kênh ngân hàng tự động LiveBank, giúp tăng tính bảo mật và thuận tiện cho khách hàng.
Hay VietinBank cũng xây dựng các ki-ốt nhận dạng FaceID để nhận diện khách hàng và chuyển yêu cầu của họ tới tư vấn viên. Công nghệ mới này giúp ngân hàng tiết kiệm 30% thời gian xử lý các giao dịch.
Hiện nay, những ngân hàng lớn nhất Việt Nam, bao gồm VPBank, Techcombank, VIB và ACB, đã sử dụng AI cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm quản lý tài sản, bảo mật và chống gian lận cũng như sử dụng chatbot để hỗ trợ khách hàng.
Do AI có khả năng phân tích lượng dữ liệu khổng lồ và kết nối dữ liệu với các nguồn thông tin mới nên có khả năng nhận dạng các giao dịch bất thường, hỗ trợ phát hiện các tác nhân lừa đảo nhanh hơn và chính xác hơn đồng thời ít gây ra rắc rối cho khách hàng.
BaaS trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam
Banking-as-a-Service (BaaS) là một thành phần quan trọng trong mô hình ngân hàng của nhiều ngân hàng tại Việt Nam. Đây thực chất là sự tích hợp các dịch vụ ngân hàng cốt lõi với các sản phẩm của các doanh nghiệp phi ngân hàng. Sự đổi mới này giúp các doanh nghiệp dịch vụ tài chính phát triển sản phẩm mới và tăng tính dễ sử dụng.
BaaS được hiểu là dịch vụ theo yêu cầu cho phép người dùng truy cập các dịch vụ tài chính (ví dụ thanh toán và dữ liệu ngân hàng) qua internet bằng giao diện lập trình ứng dụng (API) và hệ thống dựa trên đám mây.
Theo khảo sát của Finastra, 55% số người được hỏi đều đánh giá cao năng lực cải thiện khả năng BaaS ở Việt Nam. Con số này cao hơn 7% so với mức trung bình của các quốc gia trên thế giới. Điều này cũng phản ánh mức độ quan tâm đến các mô hình ngân hàng mới nổi của các nhà điều hành tại các tổ chức tài chính Việt Nam. Hơn 89% tin rằng những mô hình này là công cụ chính để tạo ra tăng trưởng và thu nhập kinh doanh, xếp Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Hồng Kông (Trung Quốc).
BaaS phù hợp với mong muốn của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm thanh toán thông minh. Trên thực tế, giá trị giao dịch được thực hiện thông qua thanh toán di động hiện lên tới hàng tỷ USD mỗi ngày. Theo khảo sát của Visa, hơn 90% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến ngân hàng số và có ý định sử dụng dịch vụ này trong tương lai.
NLP trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam
Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) là lĩnh vực con của trí tuệ nhân tạo. Công nghệ này cho phép máy tính phân tích ngôn ngữ của con người dưới dạng văn bản hoặc lời nói và đưa ra phản hồi tương ứng.
Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) cũng là một lĩnh vực liên quan đến sự tương tác giữa máy tính và ngôn ngữ tự nhiên của con người.
NLP phổ biến với các tổ chức tài chính ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ này để cải thiện dịch vụ khách hàng. Trên thực tế, 41% tổ chức tài chính tận dụng NLP để cá nhân hóa hoạt động tiếp thị cho nhóm khách hàng.
Việc triển khai AI Chatbots ngày càng tăng được giải thích bởi tính hữu ích đối với ngành tài chính. Chatbots AI sử dụng công nghệ NLP không chỉ có thể phân tích ngôn ngữ của người tiêu dùng và đưa ra phản hồi phù hợp mà còn có thể cung cấp dịch vụ cho khách hàng bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ vị trí nào, sử dụng các tình huống đa ngữ cảnh và các cuộc hội thoại tự nhiên.
Tập trung vào việc cải thiện dịch vụ khách hàng bằng AI là mục tiêu tốt nhất theo ý kiến của 45% số người tham gia khảo sát của Finastra tại Việt Nam.
Trong thời điểm mà các tổ chức tài chính liên tục đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số để đạt được lợi thế cạnh tranh, sự hài lòng của khách hàng thông qua dịch vụ khách hàng chất lượng tốt có thể là một lợi thế quan trọng.
Công nghệ, dịch vụ tài chính và ESG
Tại Việt Nam, 90% ý kiến từ khảo sát Finastra đều nhất trí rằng điều quan trọng đối với các dịch vụ tài chính và ngành ngân hàng nói chung là hỗ trợ các sáng kiến ESG.
Để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, việc áp dụng các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) được xem là cần thiết đối với các tổ chức tài chính và ngân hàng. Chưa kể, giá trị mà các tổ chức này có thể tạo ra từ việc đáp ứng trực tiếp các yêu cầu của ESG.
Theo báo cáo của công ty PwC Việt Nam, các tổ chức tài chính có thể thu về tới 1,7 tỷ USD bằng cách phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững cho các sáng kiến ESG. Hơn nữa, các tổ chức tài chính có thể hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vốn trị giá 753 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam từ năm 2016 sang năm 2030./.