Bình Định quy hoạch lớn để đón đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

Bình Định cho đầu tư xây 42 khu tái định cư, 6 khu cải táng với tổng diện tích hơn 170ha, để phục vụ giải phóng mặt bằng dự án Đường sắt tốc độ cao.

Đồ họa dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua tỉnh Bình Định. Ảnh: AI

Ngày 22.6, UBND tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ liên quan đến dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam qua địa bàn.

Để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đồng ý cho thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng 42 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 168ha; 6 khu cải táng diện tích 3,65ha; 3 vị trí bãi thải và 10 mỏ đất phục vụ thi công các hạng mục liên quan.

Đồng thời giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan đề xuất việc ứng vốn ngân sách địa phương để xây dựng các khu tái định cư.

Cùng với Sở Xây dựng và các bên liên quan đề xuất UBND tỉnh trình Chính phủ ban hành hướng dẫn về quy trình, thủ tục chỉ định thầu đối với các hạng mục như tư vấn khảo sát, lập quy hoạch, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu thi công…; tham mưu UBND tỉnh giải quyết về cơ chế, chính sách liên quan đến nguồn vốn đầu tư, chi trả bồi thường; hướng dẫn Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh lập dự toán, báo cáo quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định.

Sở Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) tại các khu vực lân cận ga đường sắt tốc độ cao nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất.

Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Đường sắt để sớm bàn giao hồ sơ, cọc mốc, phục vụ triển khai công tác bồi thường GPMB và tái định cư. Đồng thời rà soát, tổng hợp kiến nghị của địa phương để gửi chủ đầu tư xử lý theo thẩm quyền.

Đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện công tác bồi thường, GPMB dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao các địa phương liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở pháp lý cho việc thu hồi đất.

Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tổ chức thực hiện công tác bồi thường GPMB, tái định cư dự án, di dời hệ thống nước sạch, công trình thủy lợi và các hạ tầng khác do địa phương quản lý.

Theo chủ trương đầu tư, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành.

Tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha; số dân tái định cư khoảng 120.836 người; tổng mức vốn đầu tư là 1.713.548 tỉ đồng.

Trong đó, tỉnh Bình Định dự kiến sẽ được bố trí 2 ga: Bồng Sơn và Diêu Trì. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ, tỉnh nhận thấy có sự chồng lấn giữa vị trí nhà ga Diêu Trì của dự án Đường sắt tốc độ cao và Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam hiện hữu qua địa bàn xã Phước An (huyện Tuy Phước).

Về vấn đề này, tỉnh Bình Định đã đề nghị Ban QLDA Đường sắt rà soát, giải quyết các kiến nghị của tỉnh, đặc biệt là các nội dung liên quan đến phạm vi chồng lấn tại khu vực ga Diêu Trì.

Theo Báo Lao Động