Bộ VHTTDL chỉ đạo các địa phương ở Bắc Trung Bộ tăng cường quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh sau bài phản ánh của Báo Lao Động.

Theo văn bản số 2895/BVHTTDL-DSVH ngày 20.6 của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND TP Huế và UBND tỉnh Ninh Bình, Báo Lao Động có bài “Nhiều di tích bị xâm hại, trở thành điểm tệ nạn” phản ánh tình trạng xâm phạm một số di tích tại các địa phương này.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính tại Công văn số 4729/VPCP-KGVX ngày 28.5.2025 của Văn phòng Chính phủ về việc nắm bắt thông tin, kịp thời có giải pháp xử lý phù hợp theo thẩm quyền, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di sản, di tích trên toàn quốc. Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Huế, Ninh Bình chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Các địa phương được yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các Điều ước quốc tế tại các Công ước của UNESCO mà Việt Nam đã ký kết liên quan đến di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch; các công về tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Rà soát toàn bộ các di tích đã kiểm kê, xếp hạng trên địa bàn, bảo đảm phải có tổ chức, người đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ, trông nom di tích.
Bộ máy quản lý di tích đảm bảo hiệu lực, hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ di tích, không để tình trạng di tích không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm trực tiếp, chậm trong việc phát hiện, xử lý khi vụ việc xâm phạm di tích xảy ra, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo UBND cấp tỉnh xem xét, xử lý.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các hồ sơ khoa học di tích, đồng thời ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc thẩm quyền. Trong đó xác định rõ các quy định bảo vệ công trình di tích, hiện vật thuộc di tích, cảnh quan văn hóa của di tích kèm theo việc phân công cụ thể trách nhiệm bảo vệ của tổ chức, cá nhân một cách hiệu quả.
Tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, không để xảy ra các trường hợp xâm phạm di tích tương tự.
UBND các tỉnh, thành chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn di tích và các hiện vật thuộc di tích cũng như công tác quản lý di tích trên địa bàn; chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ di tích trong cộng đồng.
Các địa phương cần chuẩn bị tốt điều kiện (tài chính, nhân lực, cơ sở dữ liệu…) để bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước theo phân cấp, phân quyền nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng.
Chủ động có kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa bảo đảm kịp thời, thống nhất, hiệu quả.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa của địa phương, người dân, doanh nghiệp về các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.
Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, tạp chí của địa phương mình có kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.