Bốn nhà máy Samsung tại Việt Nam báo lãi quý I thấp kỷ lục

Samsung Electronics vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với kết quả kém tích cực tại Việt Nam – thị trường sản xuất chiến lược hàng đầu của tập đoàn.

Theo đó, tổng lợi nhuận từ 4 nhà máy lớn nhất của Samsung tại Việt Nam đạt 966 tỷ won (khoảng 15.524 tỷ đồng), giảm tới 39% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp nhất trong tất cả các quý I kể từ năm 2016 – thời điểm hãng bắt đầu thống kê đầy đủ hoạt động của cả 4 nhà máy.

Các nhà máy được đưa vào thống kê gồm: Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên (SEVT), Samsung Electronics Vietnam (SEV) ở Bắc Ninh, Samsung Display Vietnam (SDV) cũng tại Bắc Ninh, và Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) tại TP.HCM. Trong số này, SEVT được xem là “đầu tàu” của Samsung Việt Nam cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Tuy nhiên, chính SEVT lại là nguyên nhân chủ yếu kéo tụt lợi nhuận chung trong quý vừa qua. Lợi nhuận của nhà máy này giảm mạnh gần 60%, chỉ còn 385,6 tỷ won. So với mức giảm tổng cộng 617 tỷ won của cả 4 nhà máy, riêng SEVT đã chiếm đến 569,7 tỷ won. Dù vậy, SEVT vẫn dẫn đầu về lợi nhuận trong số các nhà máy Samsung tại Việt Nam.

Ngược lại, nhà máy SEHC tại TP.HCM ghi nhận kết quả khả quan khi lợi nhuận tăng tới 66,8%. Trong khi đó, SEV và SDV lần lượt giảm lãi 22,7% và 28,2%.

Về doanh thu, Samsung ghi nhận mức tăng nhẹ 3,8%, đạt 22.817 tỷ won (366.669 tỷ đồng). SEV, SDV và SEHC lần lượt tăng trưởng 11,6%, 3% và 20,5%. Tuy nhiên, sự sụt giảm 2,5% về doanh thu tại SEVT – từ 11.030 tỷ won xuống còn 10.753 tỷ won – đã làm hạn chế mức tăng trưởng chung.

Diễn biến này đi ngược lại mục tiêu tăng trưởng mà Samsung Việt Nam đề ra cho năm 2025. Trước đó, tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Thái Nguyên hồi tháng 1/2025, lãnh đạo Samsung cho biết kỳ vọng đạt doanh thu 27,8 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2024. Trong năm vừa qua, tổng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam lần lượt đạt 62,5 tỷ USD và 54,4 tỷ USD.

Tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Choi Joo Ho – Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam khi đó – và ông Na Ki Hong, người kế nhiệm đảm nhiệm vị trí từ 1/3/2025. Tại cuộc gặp, lãnh đạo Samsung khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất toàn cầu quan trọng nhất và hiện vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 23,2 tỷ USD.

Ngoài 4 nhà máy chính kể trên, Samsung còn có một số cơ sở sản xuất lớn khác tại Việt Nam như Samsung Electro-Mechanics Vietnam (SEMV) tại Thái Nguyên và Samsung SDI Vietnam (SDIV) tại Bắc Ninh – chuyên sản xuất linh kiện điện tử và pin.

Một điểm sáng đáng chú ý trong chiến lược đầu tư là Samsung Display Vietnam. Từ tháng 9/2024 đến tháng 5/2025, SDV liên tục tăng vốn đầu tư tại Bắc Ninh. Cụ thể, tháng 9 năm ngoái, SDV cam kết rót 1,8 tỷ USD để mở rộng sản xuất màn hình OLED cho điện thoại, thiết bị IT và ô tô. Tiếp đó, tháng 1/2025 và tháng 5/2025, Bắc Ninh lần lượt cấp hai giấy chứng nhận đầu tư mới cho các dự án mở rộng, với tổng vốn thêm 2,4 tỷ USD.

Dù lợi nhuận quý I sụt giảm mạnh, chuỗi đầu tư của Samsung cho thấy tập đoàn Hàn Quốc vẫn cam kết dài hạn tại thị trường Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất linh kiện thế hệ mới.