Qualcomm đã giới thiệu Snapdragon AR2 Gen 1 Platform là nền tảng AR đầu tiên của công ty này.
Qualcomm được biết là đang tậptrung vào thực tế ảo tăng cường (AR) bên cạnh việc phát triển kính thông minh. Mới đây Snapdragon AR2 Gen 1 Platform đã được công bố là nền tảng AR đầu tiên của công ty này.
Snapdragon AR2 Gen 1 Platform chia phần cứng thành ba phần và kết hợp kết nối không dây với điện thoại di động, Qualcomm tự tin rằng nền tảng mới của họ giúp chiếc kính không còn cồng kềnh như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng năm 2000 và phù hợp để sử dụng hàng ngày.
Công nghệ kính AR trước đây chưa đạt đến mức độ tiên tiến như vậy. Các phiên bản trước chạy trên chipset riêng của Qualcomm, như kính thông minh T1 của Lenovo, còn khá bất tiện và phụ thuộc vào liên kết có dây với điện thoại hoặc máy tính. Vào đầu năm 2022, phiên bản không dây được ra mắt công chúng, nhưng nó vẫn dựa vào Snapdragon XR2 Platform mà công ty sử dụng cho tai nghe thực tế ảo (VR).
Một điều đáng chú ý là AR và VR là hai loại công nghệ khác nhau. Mặc dù đắm chìm trong thực tế ảo (VR) một giờ mỗi lần có thể khiến bạn thỏa mãn, nhưng thực tế ảo tăng cường (AR) bổ sung yếu tố giả lập vào môi trường xung quanh trong khoảng thời gian dài hơn, đem đến trải nghiệm mới lạ cho người dùng. Điều này có nghĩa là sản phẩm AR cần thời lượng pin dài hơn để có thể lồng ghép các đối tượng và đồ họa ảo vào thế giới thực.
Cấu trúc platform
Là một phần trong portfolio Extended Reality của Qualcomm, Snapdragon AR Gen 1 Platform sở hữu thiết kế đơn giản và siêu mỏng, có thể lắp vừa bên trong một cặp kính thông thường. Để đạt được điều đó, Qualcomm đã chia nền tảng mới của mình thành ba phần.
Đầu tiên, bộ xử lý AR chính nằm trong một bên càng kính, chịu trách nhiệm chạy màn hình và tổng hợp video từ tối đa 9 camera. Nó nhỏ hơn 40% so với Snapdragon XR2 trong Wireless AR Smart Viewer Reference Design. Qualcomm tiết lộ nó có hiệu suất AI cao gấp 2,5 lần mặc dù nó sẽ chỉ sử dụng một nửa công suất.
Thứ hai, sản phẩm có bộ đồng xử lý AI được lắp đặt bên trong cầu kính để thu thập dữ liệu từ máy ảnh và cảm biến, sử dụng khả năng nhận dạng mống mắt để bảo mật và theo dõi chuyển động mắt. Tính năng này không chỉ tiết kiệm năng lượng tiêu thụ mà còn tối đa hóa độ phân giải của đồ họa kỹ thuật số ở điểm tập trung của mắt.
Cuối cùng, ở càng kính bên kia là một mô-đun kết nối sử dụng hệ thống FastConnect 7800 cho Wi-Fi 7, tạo cơ sở liên kết giữa kính thông minh và thiết bị chủ như là điện thoại thông minh. Với độ trễ dưới 2ms, chip tích hợp có thể nhanh chóng xử lý các tác vụ bao gồm 6DOF và định vị dựa trên máy ảnh, chuyển dữ liệu đó tới điện thoại và hiển thị nội dung được truyền lại cho người dùng.
Tiêu thụ điện năng thấp hơn
Theo Qualcomm, sản phẩm mới có hiệu suất và nhiệt độ thấp hơn đáng kể. Với số lượng cáp ít hơn 45% và các thành phần khác nhau được phân bổ trải dài, thiết bị đeo có khả năng cân bằng tốt hơn và không bị nóng nếu sử dụng quá lâu. Tổng mức tiêu thụ điện năng mục tiêu là dưới 1 watt, không bao gồm màn hình hiển thị, nghĩa là ít hơn 50% so với những nền tảng tiền nhiệm.
Điều đó không đồng nghĩa với việc nó có ít chức năng hơn. Trên thực tế, Qualcomm trang bị cho platform những tính năng như công cụ phân tích hình ảnh chuyên dụng và công cụ phản chiếu, được sử dụng để nhận dạng các đối tượng và chi tiết trong thế giới thực, đồng thời nhận dạng các đối tượng ảo nhanh nhạy hơn. Bằng cách đó, hình ảnh sẽ không bị nhòe và đồ họa AR không hiển thị lung tung khắp màn hình ngay cả khi bạn di chuyển đầu quá nhanh.
Qualcomm dường như không có kế hoạch sản xuất kính thông minh của riêng mình mà sẽ hỗ trợ các đối tác OEM với sản phẩm thương mại của họ. Cho đến nay, Lenovo, LG, Niantic, Nreal, OPPO, Pico, Sharp, TCL, Vuzix và Mi đều đã sẵn sàng cho nền tảng mới. Với AR2 đang trong “các giai đoạn phát triển khác nhau”, kính thông minh AR sẽ ra mắt công chúng trong tương lai.