Giá cà phê lập đỉnh mới mang đến nhiều hy vọng cho nông dân có nguồn thu nhập khá. Thế nhưng, nắng hạn đang thiêu đốt cà phê ở khắp vùng Tây Nguyên, không chỉ làm giảm năng suất mà có nguy cơ mất trắng nhiều diện tích.
LTS: Tây Nguyên đang phải trải qua một mùa khô hạn khốc liệt nhất từ trước đến nay. Hàng loạt diện tích cây trồng héo rũ, chết khô, thiệt hại kinh tế chưa thể tính hết. Điều đáng nói Tây Nguyên là nơi có nhiều sông suối, tổng lượng mưa lên đến 100 tỷ mét khối mỗi năm, vượt xa nhu cầu tưới của 2 triệu héc ta cây trồng. Trong khi đó, mùa khô là mùa lợi thế cho các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… đơm hoa kết trái; nếu có nguồn nước chủ động, mùa khô sẽ thành “mùa vàng”.
Trong loạt bài “Tây Nguyên khô khát – Làm gì để mùa khô thành mùa vàng” do nhóm phóng viên VOV Tây Nguyên thực hiện sẽ nêu rõ những nguyên nhân tình trạng hạn hán cũng như những lợi thế riêng có của 6 tháng khô hạn đối với việc phát triển nông nghiệp Tây Nguyên.
Bài 1 với tiêu đề “Cà phê đỉnh giá, nắng hạn đỉnh điểm” nói về nỗi xót xa của nông dân Tây Nguyên trong bối cảnh giá cà phê đang ở đỉnh cao, nhưng lợi nhuận có thu được hay không còn trông chờ những cơn mưa cứu vườn cây qua mùa khô hạn.
Nắng nóng “thiêu đốt” cà phê Tây Nguyên
Hơn 20 năm nhọc nhằn mưu sinh trên vùng đất đỏ bazan xã Ia Pia, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, chưa bao giờ ông Lưu Văn Dương thấy cây cà phê mang đến hy vọng lớn như vậy. Giá cà phê hiện nay (29/4/2024 giá 134.000đồng/kg nhân), cao gấp gần 3 lần thời điểm này năm ngoái. Nhưng cà phê càng tăng giá, ông Dương càng xót xa vì cơ hội lịch sử sắp tuột khỏi tầm tay, do vườn cây đang héo rũ.
“Bà con ở đây nước là nhờ tưới đập, mà tưới được 2 lần, qua Tết, tầm 20 tháng giêng là hết nước tới giờ. Tôi cũng bỏ tiền ra khoan 2 giếng nhưng không có nước. Giờ cũng hết cách rồi, không có nước để tưới nữa, nắng nữa là mất trắng luôn. Giá cao nhưng bà con có được hưởng giá cao đâu, cây có khi còn không cứu được nữa”.- ông Lưu Văn Dương chua xót.
Nắng nóng kéo dài, hán hán lan rộng khắp Tây Nguyên. Ông Nguyễn Bá Luân, thôn Đắk Thọ, xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông buồn rầu: chưa bao giờ hạn như năm nay, tất cả các nguồn nước đều cạn kiệt. Ông đã phải mua 33 cuộn ống (mỗi cuộn dài 50m) kéo bơm ra hồ thuỷ lợi cách nhà hơn 1,5km, cố gắng vét cặn nước ít ỏi cuối cùng để cứu vườn cà phê rộng 2ha của gia đình. Ở vũng nước nhỏ hẹp giữa hồ thuỷ lợi, cả chục máy bơm cùng cắm vòi tạo nên cảnh tượng chen chúc chưa từng có.
Ông Nguyễn Bá Luân, than thở: “Bây giờ mình không tưới được, không cứu được cà phê thì coi như được giá mà mất mùa thì không đâu vào đâu cả”.
Kỷ lục “ép buộc”, quyết định “bất đắc dĩ”
Giá cà phê mỗi ngày một kỷ lục cũng khiến nhiều nơi ở Tây Nguyên thiết lập những kỷ lục trong mùa hạn như số ống tưới nhiều nhất, giá mua nước cao nhất.
Tại huyện Đắk Mil, vùng trọng điểm cà phê tỉnh Đắk Nông, kỷ lục về số ống tưới kéo từ hồ thuỷ lợi về vườn cây đã trên 100 cuộn, tương ứng với khoảng cách hơn 5km.
Cũng tại đây, giá mua nước tưới liên tục gia tăng, từ 120.000 đồng/giờ bơm (mỗi giờ 5-7m3 nước) năm ngoái, đến năm nay tăng lên mức 300.000 đồng/giờ, thậm chí có nơi 500.000- 600.000 đồng.
Giá nước tưới cà phê cao gấp 10 lần giá nước sinh hoạt ở thành phố Buôn Ma Thuột, nông dân vẫn chấp nhận chi tiền.
“Một số diện tích khá lớn đã khô cháy rồi. Bây giờ người dân bắt buộc phải cứu cây, bằng mọi cách đắt cũng phải mua nước cứu cà phê” – ông Phan Xuân Vinh, ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông than vãn.
Hạn nghiêm trọng cũng khiến một số địa phương ở Tây Nguyên phải đưa ra quyết định vô cùng khó khăn và bất đắc dĩ: cứu và bỏ chỗ nào!
Tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, toàn bộ 23 hồ đập thuỷ lợi đều cạn kiệt. Ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết “Huyện sẽ mời tất cả các công ty nông, lâm trường, các chủ hồ đập và các địa phương làm việc báo cáo thực trạng cụ thể. Chỗ nào cứu được thì tập trung cứu, chỗ nào khắc nghiệt quá không thể cứu được thì phải có phương án hỗ trợ sản xuất cho bà con”.
Tây Nguyên có hơn 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó gần 1/3 diện tích, tương ứng với khoảng 640.000ha trồng cây cà phê, là cây trồng chủ lực trong nền kinh tế của vùng. Thời gian qua giá cà phê tăng liên tục và thiết lập những đỉnh cao mới. Giá xuất khẩu ngày 29/4 (giao kỳ hạn tháng 7/2024) đã đạt 4.151USD/tấn, giá thu mua trong nước trên 134.000đồng/kg.
Giá cà phê lập đỉnh mới mang đến nhiều hy vọng cho nông dân có nguồn thu nhập khá. Thế nhưng, nắng hạn đang thiêu đốt cà phê ở khắp vùng Tây Nguyên, không chỉ làm giảm năng suất mà có nguy cơ mất trắng nhiều diện tích.
Nắng hạn hiện không chỉ thiêu đốt cây cà phê mà đang tác động rất tiêu cực đến cả ngành nông nghiệp Tây Nguyên. Nghịch lý là Tây Nguyên năm nào cũng rơi vào cảnh thiếu nước tưới, dù vùng này có nhiều sông suối, tổng lượng mưa đến 100tỷ m3 nước mỗi năm, vượt xa nhu cầu tưới của 2 triệu héc ta cây trồng.
Trong bài 2 “Quy hoạch yếu, đầu tư thiếu, tư duy lỗi thời, khô hạn không hồi kết”, chúng tôi lý giải vấn đề này.
Tổng hợp từ thống kê sơ bộ của các tỉnh Tây Nguyên, đến cuối tháng 4 đã có gần 20.000ha cây trồng, chủ yếu là cà phê bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Diện tích bị thiệt hại sẽ còn tăng nhanh do nắng nóng vẫn tiếp diễn. Toàn vùng cũng đã có hơn 100 công trình thuỷ lợi cạn kiệt nguồn nước, hàng loạt hồ thuỷ lợi đến mực nước chết. |