Hạn chế lớn nhất là ngành game Việt là chưa đi cùng nhau. Sau 10 năm ngành game chọn đi một mình để đi nhanh, tuy nhiên, đa số gặp khó khăn, chỉ 1 -2 DN trội hơn phần còn lại. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực game tại Việt Nam, thế nhưng hiện chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp hoạt động, và đang dần teo tóp.
1 tỷ USD trong tầm tay
Phát biểu tại Diễn đàn Game Việt Nam với ‘Mở đường bứt phá cho ngành game Việt’ mới đây, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, game là một ngành có tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, các nước như Mỹ, Nhật hay Hàn Quốc… đều rất quan tâm phát triển ngành này.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, ngành game đã tạo được dấu ấn trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất game.
Cụ thể, ông Tự Do cho biết: “Hạn chế lớn nhất của ngành game Việt Nam hiện nay là chúng ta chưa đi cùng nhau. Chúng ta hay nói với nhau là muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Khoảng 10 năm qua, chúng ta đã chọn cách đi một mình để đi nhanh. Do đó chỉ có một vài doanh nghiệp đi nhanh, còn lại cả cộng đồng không đi nhanh kịp. Và như thế chúng ta cũng không đi cùng nhau được, càng ngày lại càng khó khăn thêm”.
Trong khi đó, với những tiềm năng đáng kể về kinh tế và xã hội, ngành game được xác định là mũi nhọn được ưu tiên chú trọng của rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển, đặc biệt là sau đại dịch COVID khi rất nhiều ngành nghề truyền thống bị ảnh hưởng.
“Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép hơn 200 doanh nghiệp game, nhưng hiện chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp đang hoạt động”, ông Quang cho biết.
Trong khi đó, chính sách vẫn còn nhiều bất cập, không theo kịp sự phát triển. Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất áp cả thuế tiêu thụ đặc biệt cho game, và Bộ Thông tin và Truyền thông đang kêu gọi bỏ quy định ra khỏi dự thảo, bởi game là ngành cần được đầu tư, nuôi dưỡng để phát triển chứ không phải là tiến hành áp thuế để tận thu.
Trong chiến lược phát triển game 2022-2027, mục tiêu đề ra là tăng doanh thu ngành game lên 1 tỷ USD so với mức hơn 600 triệu USD hiện nay; tăng thêm số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành; tập hợp các nhà phát triển game lại với nhau để thúc đẩy ngành sản xuất game Việt. Đồng thời, kết hợp với các trường đào tạo nhân lực cho ngành và hướng tới tổ chức nhiều sự kiện game hơn nữa không chỉ mang tầm trong nước, mà còn hướng ra quốc tế.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Tổng Giám đốc của VTC, cần xem game là một ngành kinh tế số và thúc đẩy phát triển.
Lấy dẫn chứng ở lĩnh vực thể thao Điện tử (eSport), ông Bảo phân tích, năm 2022, doanh thu eSport toàn cầu đạt gần 1,4 tỷ USD với có 532 triệu người theo dõi và thực tế doanh thu từ game chỉ chiếm 10%, còn lại 90% là thúc đẩy doanh thu cho các ngành khác như bán vé sự kiện, digital marketing, bán bản quyền phát sóng trên các nền tảng, kêu gọi tài trợ… Điều đó cho thấy, khi xem game là một ngành thì sẽ tạo ra nghề, lúc đó sẽ đào tạo được nguồn nhân lực cho ngành, đồng thời thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Nhìn kinh tế game một cách tích cực hơn
Ông Lã Xuân Thắng – Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG nhận định, game là một ngành đầy cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 5 ở thị trường Đông Nam Á, trong khi tiềm năng là rất lớn với 54,6 triệu người chơi game trên di động. Ông Lã chia sẻ: “Malaysia, Indonesia và Singapore đều có ba yếu tố dẫn đến sự thành công của ngành game là sự hỗ trợ từ chính phủ, sự hợp tác mạnh mẽ của hiệp hội ngành game và sự sôi nổi của cộng đồng lập trình game. Tôi hy vọng chúng ta cũng sẽ sớm có được những cú hích tương tự để tạo thị trường cởi mở và thuận lợi cho các doanh nghiệp game phát huy sự sáng tạo”.
Thực tế, các nước trong khu vực đều tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế game phát triển. Ở Singapore, Hiệp hội Game nước này được hậu thuẫn bởi 3 cơ quan chính phủ là Tổng cục Du lịch, Cơ quan Phát triển Truyền thông và Cục Doanh nghiệp Singapore. Nước này đăng cai rất nhiều sự kiện game và eSport lớn. Ở Indonesia, thuế VAT áp dụng là 10%, nhưng một phần thuế này sẽ được tái đầu tư cho ngành game và nội dung số, các studio độc lập và các doanh nghiệp game nhỏ sẽ được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này.
“Ngành game cần một cú hích từ chính sách của Chính phủ để tạo động lực phát triển như các nước khác trong khu vực”, ông Thắng nhấn mạnh.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển ngành game trong nước. Đầu tiên là thành lập Liên minh Game Việt Nam, tập hợp các doanh nghiệp để thúc đẩy và phát triển ngành game.
Tiếp theo, thúc đẩy tổ chức các diễn đàn, hội thảo game sẽ giúp cộng đồng thay đổi định kiến, nhìn nhận đóng góp của ngành game cho sự phát triển kinh tế, xã hội, liên kết các bộ ngành khác để đưa ra những ưu đãi phát triển ngành game trong nước. Trong đó có việc loại bỏ các loại thuế không hợp lý, có chính sách thí điểm hỗ trợ như sandbox, bỏ các giấy phép, thủ tục hành chính rườm rà để các doanh nghiệp game thuận lợi hơn trong phát triển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, phát triển ngành game phải được bắt đầu từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ngành game sẽ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực liên quan khác như đồ hoạ, sáng tạo nội dung hay giáo dục, chẳng hạn như Trung Quốc họ dùng game để dạy lịch sử. Khi đó game trở thành ngành kinh tế số, ngành kinh tế tri thức và sẽ làm thay đổi nhận thức xã hội về nó.
Ông Lã Xuân Thắng mong rằng, xã hội sẽ nhìn vào game một cách tích cực hơn và trong 1-2 năm qua, eSport đã góp phần quan trọng trong việc này, đó là tín hiệu đáng mừng.
Ông Thắng cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần tạo ra sự công bằng cho các doanh nghiệp trong nước. Bởi hiện nay đang có sự bất bình đẳng, khi doanh nghiệp nước ngoài phát hành game vào Việt Nam không bị kiểm soát nội dung, không đóng thuế, trong khi doanh nghiệp trong nước đang thực hiện rất nghiêm túc và đầy đủ.
Mong phát triển ngành game đúng hướng
Với mong muốn phát triển ngành game Việt đúng hướng, lành mạnh và tạo nhiều giá trị tích cực cho xã hội, cộng đồng cũng như nền kinh tế, đây là lần đầu tiên ngành game có một sự kiện quy mô toàn quốc, với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp game lớn trên cả nước như: VNG, VTC, Gosu, Gamota, OTA Network, Garena, Funtap…
Ông Do cho biết: “Sự kiện Ngày hội game Việt lần đầu tiên được tổ chức là minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp trong việc gắn kết và xây dựng hệ sinh thái game Việt lớn mạnh, tạo ra giá trị kinh tế cao”.
Ngay trong ngày khai mạc, ngày hội đã thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham dự tại khu vực trưng bày Game Expo với 20 gian hàng từ các công ty công nghệ, nhà sản xuất game. Bên cạnh tìm hiểu về game, người tham dự còn được trực tiếp trải nghiệm game, thi đấu…
Song song đó là diễn đàn game Việt Nam với sự góp mặt của các chuyên gia, diễn giả đầu ngành… thảo luận những chủ đề đang được quan tâm hiện nay như: Ngành công nghiệp game Việt Nam sẽ phát triển như thế nào; Tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp game – kinh nghiệm cho thế giới và bài học cho Việt Nam; Esports, mũi nhọn mới của nền kinh tế số…
Huỳnh Anh tổng hợp