Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc được dự báo lần lượt sẽ đứng thứ nhất, thứ hai và thứ ba toàn cầu xét về công suất bán dẫn trong năm 2024. Thời báo Asia Times nhận định: ‘Cán cân sức mạnh chip vẫn nghiêng về phía châu Á’.
Dự báo mới nhất vừa được công bố đầu năm 2024 của Hiệp hội ngành bán dẫn toàn cầu SEMI có trụ sở ở Mỹ cho thấy công suất bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng 6,4% vào năm 2024 lên mức 30 triệu tấm bán dẫn mỗi tháng (wpm), sau khi tăng 5,5% vào năm 2023.
Vị thế của châu Á
Các thông tin mà SEMI đưa ra cũng cho thấy được vị thế của các quốc gia, khu vực hiện nay trên thị trường bán dẫn. Theo dự báo của SEMI, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đều sẽ có công suất sản xuất chất bán dẫn nhiều hơn Mỹ vào cuối năm 2024.
Dữ liệu xây dựng cơ sở sản xuất chất bán dẫn cho thấy hơn 80% công suất sản xuất của thế giới vẫn nằm ở châu Á, với tỉ lệ ước tính trong năm 2024 cao hơn một chút so với năm ngoái.
Công suất của Trung Quốc trên toàn bộ thị trường sản xuất chất bán dẫn được dự báo sẽ chiếm 27% vào năm 2024, trong khi Mỹ vẫn ở mức dưới 10% một chút và châu Âu dưới 9%. Những nỗ lực của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm xây dựng lại chuỗi cung ứng chip trong nước khó có thể mang lại nhiều kết quả cho đến năm 2025.
Dự báo Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt sẽ đứng thứ nhất, thứ hai và thứ ba toàn cầu xét về công suất bán dẫn. Cụ thể, các hoạt động dự kiến sẽ bắt đầu tại 18 nhà máy mới ở Trung Quốc trong năm nay, giúp công suất của quốc gia này tăng 13% lên 8,6 triệu tấm wafer mỗi tháng.
Trong khi đó, công suất sản xuất được dự báo sẽ tăng 4,2% lên 5,7 triệu tấm wafer mỗi tháng ở Đài Loan, tăng 5,4% lên 5,1 triệu ở Hàn Quốc, tăng 2% lên 4,7 triệu ở Nhật Bản, tăng 6% lên 3,1 triệu ở Mỹ và 3,6% lên 2,7 triệu ở châu Âu và Trung Đông (gồm cả Israel), theo ước tính của SEMI.
Tại khu vực Đông Nam Á, dự báo công suất sẽ tăng 4% lên 1,7 triệu tấm wafer mỗi tháng, qua đó nâng tổng công suất của châu Á lên 26 triệu tấm wafer mỗi tháng – gấp 4,5 lần công suất của Mỹ và châu Âu cộng lại.
Công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Đài Loan (TSMC) và các nhà sản xuất bán dẫn theo hợp đồng khác được dự báo sẽ chiếm gần 1/3 tổng công suất toàn cầu vào cuối năm 2024, tiếp theo là Intel và các nhà sản xuất mạch tích hợp khác ở mức hơn 20%, chất bán dẫn rời rạc ở mức 14%, DRAM ở mức 13%, bộ nhớ flash NAND ở mức 12% và thiết bị analog ở mức 8%.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành SEMI Ajit Manocha giải thích: “Sự chú ý ngày càng tăng của toàn cầu về tầm quan trọng chiến lược của hoạt động sản xuất chất bán dẫn đối với an ninh quốc gia và kinh tế là chất xúc tác chính cho những xu hướng này”.
Mỹ và châu Âu không còn thống trị
Trang SupplyChainBrain.com – nguồn thông tin quản lý chuỗi cung ứng toàn diện nhất hiện nay – chỉ ra sự thống trị của Mỹ và EU trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn đã biến mất vào giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000 khi hoạt động sản xuất chuyển sang các nền kinh tế lớn ở châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Vậy điều gì giải thích cho sự tăng trưởng tương đối chậm và mức độ sản xuất chất bán dẫn tiếp tục ở mức thấp tại Mỹ và EU hiện nay, nơi các chính trị gia đang hướng tới giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu bằng cách tăng gấp đôi công suất của họ trên thị trường toàn cầu?
Một trong các lý do là khoản trợ cấp đầu tiên theo đạo luật CHIPS của chính quyền Tổng thống Joe Biden mãi đến tháng 12-2023 mới được công bố và khoản trợ cấp này chỉ dành 35 triệu USD cho một nhà máy của Công ty BAE Systems ở bang New Hampshire – công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn để sử dụng cho máy bay chiến đấu và vệ tinh.
Tại Đức, các khoản trợ cấp bán dẫn đã bị gián đoạn do phán quyết của tòa án về tính hợp hiến của ngân sách chính phủ. Các khoản tài trợ cho Intel lên tới 9,9 tỉ euro trong tổng số vốn đầu tư 30 tỉ euro vào thành phố Magdeburg, bang Saxony-Anhalt, có nguy cơ bị tòa án ra phán quyết bất lợi.
Vấn đề này cũng sẽ khiến Đức gặp bất lợi nghiêm trọng khi cạnh tranh với Israel, Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc – những nền kinh tế đều đang tích cực trợ cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn của họ.
Tại Trung Quốc, mặc dù các hệ thống in thạch bản DUV tiên tiến nhất của Công ty ASML (Hà Lan) bị cấm chuyển đến Trung Quốc, nhưng các hoạt động tại nhà máy mới của Tập đoàn sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc ở thành phố Thượng Hải dường như sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2024. Đây sẽ là nhà máy lớn nhất được xây dựng bởi công ty này.
Và rủi ro ngắn hạn đối với Mỹ cũng như các nhà sản xuất chất bán dẫn nước ngoài khác là doanh số bán hàng của họ sang Trung Quốc sẽ giảm.
42 nhà máy chip bán dẫn mớiTrong bối cảnh ngành bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ hưởng lợi từ sự phục hồi về nhu cầu trong năm 2024, nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ đang khuyến khích mở rộng sản xuất bằng cách xây dựng các nhà máy bán dẫn mới và giới thiệu thiết bị mới. SEMI dự báo trong năm 2024 tổng cộng có thêm 42 nhà máy bán dẫn mới trên toàn cầu bắt đầu sản xuất, tăng đáng kể so với con số 11 nhà máy vào năm 2023 và 29 nhà máy vào năm 2022. Những cơ sở mới sẽ sản xuất các tấm bán dẫn có đường kính từ 300mm (tại các nhà máy lớn của TSMC, Samsung, Intel và các công ty hàng đầu khác) cho đến 100mm để dùng cho các ứng dụng đặc biệt. |