Cần giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) về tình hình doanh nghiệp trong quý III/2023, có tới 70% doanh nghiệp thiếu đơn hàng, hơn 51% bị giảm lợi nhuận hoặc lỗ.

Trong tình cảnh đó, các doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở để có tiền thưởng cho người lao động dịp cuối năm. Đó là điều rất đáng ghi nhận, tôn vinh và hỗ trợ. Hỗ trợ ở đây là thực thi chính sách một cách công bằng.

Các loại thuế, phí ở Việt Nam đang bào mòn sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo một khảo sát cách đây không lâu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các loại thuế, phí chiếm tới hơn 39% lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan là 27,5%, Indonesia là 29,7%, Singapore là 18,4%. Đó là chưa kể những khoản chi phí không chính thức khi làm các thủ tục hành chính, chi phí tiếp các đoàn thanh tra về thuế, hải quan, môi trường, phòng cháy chữa cháy…

Các doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở để có tiền thưởng cho người lao động dịp cuối năm – Ảnh minh họa

Chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng là một câu chuyện gây bức xúc về sự thiếu công bằng trong thực thi chính sách. Năm nào, các doanh nghiệp cũng trầy trật làm hồ sơ hoàn thuế nhưng không được chấp nhận với nhiều lý do không mấy thuyết phục. Ngành thuế “ngâm” hàng ngàn tỉ đồng của doanh nghiệp nhưng chưa chịu hình thức chế tài nào, nhưng nếu chậm đóng thuế, doanh nghiệp liền bị tính phí phạt ngay.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang thiếu dòng tiền, Chính phủ cần chỉ đạo ngành thuế đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp. Đó cũng là một cách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để tăng sức cạnh tranh, chăm lo tốt cho người lao động, trả lãi ngân hàng, chủ động mua, trữ nguyên phụ liệu…

Khi kinh tế phát triển bình thường, các loại thuế, phí đã là gánh nặng cho doanh nghiệp nên trong bối cảnh kinh tế hiện nay, gánh nặng này càng khó “gồng”. Do đó, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách giãn nợ thuế, phí, nợ vay ngân hàng trong những tháng cuối năm và có thể thu bù từ giữa năm sau. Để doanh nghiệp tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa, giảm triệt để tần suất thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Trong bối cảnh các thị trường lớn như Mỹ, các nước châu Âu, châu Á giảm sức tiêu thụ, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực việc tiếp cận các thị trường nhỏ hơn như Trung Đông, Nam Phi, các nước Mỹ Latin. Để đưa sản phẩm vào được các thị trường mới, doanh nghiệp cần được Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Việt.

Chính sách thuế thu nhập cá nhân cũng đang thiếu công bằng, sòng phẳng. Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp, các bậc tính thuế còn quá dày (7 bậc), các chi phí thực tế phục vụ cuộc sống như thuê nhà, khám chữa bệnh, đóng học phí cho con… lại không được khấu trừ khi tính thuế. Do vậy, dù mức lương không quá cao nhưng đa phần người làm công ăn lương có thu nhập ở các bậc 3, 4, 5 (từ 18-52 triệu đồng/tháng) phải đóng thuế suất từ 15 – 25% trong khi chỉ số lạm phát ngày càng tăng.

Nền kinh tế thế giới và Việt Nam được dự báo có thể tiếp tục khó khăn trong năm 2024, 2025 nên việc chờ đến năm 2026 mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân là quá chậm. Trong thời gian chờ sửa luật, cần có chính sách hỗ trợ người đóng thuế thu nhập cá nhân.

Nếu giảm thu thuế thu nhập cá nhân từ 30 – 50% trong vòng 6-12 tháng hoặc tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 10 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc, khoản tiền dư ra sẽ giúp người dân tăng chi tiêu, mua sắm, góp phần kích cầu, tạo đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp, làm cho nền kinh tế khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Báo Phụ Nữ