Cân nhắc điều chỉnh chính sách tài khoá mở rộng

Tiếp tục duy trì chính sách tài khoá mở rộng sẽ áp lực lớn đến ngân sách cho những năm tiếp theo.

Nhấn mạnh những đóng góp hiệu quả của chính sách tài khoá mở rộng trong nhiều năm qua đã hỗ trợ lớn cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đã đến lúc cần xem xét cân nhắc thu hẹp về quy mô hay giảm về cường độ hỗ trợ tài khoá. Cùng với đó, phát huy hiệu quả các chính sách tài chính và cơ chế đặc thù để “chia lửa” cho chính sách tài khoá trong giai đoạn tới.

Anh Vu Sy Cuong
PGS TS Vũ Sỹ Cường – Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính

PGS,TS Vũ Sỹ Cường – Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính đánh giá, chính sách tài khoá mở rộng được thực hiện liên tục từ sau đại dịch COVID-19 cho đến nay là cố gắng nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển, đóng góp trực tiếp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn tới chính sách tài khoá có lẽ không cần tiếp tục phải mở rộng.

Theo PGS,TS Vũ Sỹ Cường, thứ nhất, thực tế nhiều năm nguồn lực tài chính không giải ngân hết, hằng năm vẫn phải chuyển nguồn, có năm chuyển nguồn đến 35%. Do đó, chỉ cần tập trung giải ngân theo kế hoạch là đã tạo ra động lực rất lớn.

Thứ hai, về chi thường xuyên. Chính phủ vừa thực hiện đợt tăng lương mạnh, theo tính toán của chuyên gia có thể góp phần tăng tổng tiêu dùng xã hội đâu đó từ 0,2 – 0,3%. Tiếp tục duy trì chính sách tài khoá mở rộng vì thế sẽ tạo áp lực lớn đến ngân sách những năm tiếp theo. “Tôi cho rằng chúng ta cần từng bước thay đổi lại. Về ngắn hạn là điều chỉnh, giảm dần, nới lỏng chính sách tài khoá” – PGS TS Vũ Sỹ Cường cho hay.

Thứ ba, cắt giảm chi tiêu công cũng tạo nên những giới hạn. Hằng năm chúng ta đều đặt ra chỉ tiêu cắt giảm thu chi thường xuyên nhưng không thể tiếp tục cắt giảm chi tiêu công ở rất nhiều lĩnh vực chi thường xuyên. Trong khi thực tế đang đặt ra những yêu cầu thay đổi từ cơ chế, bộ máy tổ chức hay những thay đổi từ việc chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số trong các ngành đang cần nguồn lực lớn.

cstk.jpg
Cân nhắc điều chỉnh chính sách tài khoá mở rộng cần gắn liền với phát huy những nguồn lực khác của nền kinh tế

Thứ tư, cần xem xét cân đối lại nguồn thu bởi nhiều năm nay nguồn thu ngân sách không thay đổi đáng kể, khó phù hợp với một quốc gia đã có thay đổi nhất định về thu nhập bình quân đầu người.

Ở góc nhìn khác, trao đổi với báo chí, TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam đồng thuận với quan điểm cho rằng các chương trình hỗ trợ trên diện rộng nên cân nhắc dừng lại hoặc thu hẹp về quy mô hay giảm về cường độ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay đã phục hồi trở lại. Tiếp tục tư duy hỗ trợ trên diện rộng kéo dài sẽ không phù hợp với nguyên tắc của thị trường.

Cùng với việc cân nhắc điều chỉnh chính sách tài khoá mở rộng, giảm bớt cho tiêu từ khu vực Chính phủ, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc chuẩn bị những điều kiện khác, phát huy những nguồn lực khác của nền kinh tế một cách đồng bộ để bù đắp.

Đó là nguồn lực từ đầu tư tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI gắn liền với nỗ lực tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, củng cố niềm tin, phát huy tinh thần khởi nghiệp, tạo sự hứng khởi của các nhà đầu tư. Ngoài ra, chính sách tiền tệ, chính sách về thị trường vốn, bảo hiểm, các cơ chế đặc thù, vượt trội mới để phát huy nguồn lực khác từ nền kinh tế.

Theo tạp chí diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam