Cần nhiều giải pháp kích cầu để khơi thông dòng vốn tín dụng

Người dân thắt chặt chi tiêu khiến sức mua thấp, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm các chi phí để giảm áp lực tài chính. Do vậy, vốn trong các ngân hàng rất dồi dào nhưng lại khó cho vay.

Nhu cầu vay của doanh nghiệp giảm 

Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) – cho rằng: thị trường tăng trưởng tốt thì doanh nghiệp (DN) và người dân mới có nhu cầu vay nhiều hơn. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 thấp hơn mọi năm nên nhu cầu vay ít lại, khiến dòng chảy tín dụng bị nghẽn.

Theo ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM – các DN thành viên hiệp hội không gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhưng đơn hàng trong năm qua chỉ đạt 80 – 90% năng lực sản xuất của DN. Vì vậy, DN “có bao nhiêu xài bấy nhiêu”, không có nhu cầu vay mới.

Đơn hàng trong năm 2023 chỉ đạt 80 – 90% năng lực sản xuất nên nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp dệt may thấp (ảnh chụp tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3)

Ông Nguyễn Chánh Phương – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM – cũng cho hay: các DN thành viên của hội là đối tác lâu năm của các ngân hàng nên không khó tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên do đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, lượng hàng tồn kho tăng nên DN không có nhu cầu vay mới. Thêm vào đó, việc thanh toán chậm trễ của các đối tác khiến một số DN khó thanh toán đúng hạn cho ngân hàng, bị nhảy nhóm nợ xấu hơn nên khó tiếp cận được vốn từ ngân hàng, trong khi ngân hàng đang thừa vốn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) – thông tin, còn khoảng 40% DN trong hiệp hội than khó vay vốn do tài sản thế chấp bị định giá quá thấp, mức lãi vay có giảm nhưng vẫn còn cao so với lợi nhuận của DN.

Để thông dòng vốn, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay cá nhân. Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết OCB đã thiết kế nhiều sản phẩm dành cho người có thu nhập trung bình khá, vay mua nhà, xe, sửa chữa nhà cửa, tiêu dùng với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh. Dù vậy, khách hàng cá nhân vẫn đang thắt chặt chi tiêu, ngại vay vốn.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM – nhận định: việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn còn một số hạn chế như chính sách đảo chiều liên tục, chưa có tính dự báo trước khiến cung – cầu không gặp nhau. Chẳng hạn, năm 2022, do áp lực lạm phát, NHNN đã thắt chặt tiền tệ, không tăng trưởng hạn mức tín dụng khiến thị trường khát vốn. Để có vốn, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên 10%/năm, tăng lãi suất cho vay lên 15 – 16%/năm. Khi lãi suất quá cao, người dân và DN không dám vay, tăng trưởng tín dụng thấp, trong quý I và II/2023, NHNN đã nới lỏng tiền tệ quá mức với 4 lần giảm lãi suất điều hành trong thời gian ngắn. Nhưng đến quý III và quý IV/2023, việc giảm lãi suất điều hành mới phát huy tác dụng. Lúc này, lãi suất xuống thấp nhưng nền kinh tế đã rơi vào tình trạng khó khăn, dẫn đến ngân hàng thừa vốn.

Sẽ có giải pháp để tín dụng tạo đòn bẩy 

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, trong năm 2024, chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt hay nới lỏng đều cần có tính dự báo tốt để người dân, DN có kế hoạch phù hợp. Việc cung tiền hay tăng, hạ lãi suất cần trung lập, theo nhu cầu thực của nền kinh tế. Để DN, người dân tiếp cận vốn, cần sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách tiền tệ với các chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu. Ngược lại, nếu chỉ cung vốn cho DN mà chi tiêu của người dân giảm, xuất khẩu không khả quan thì nhu cầu về vốn của DN cũng không có.

Rất nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng được tổ chức trong năm 2023 nhưng sức mua vẫn thấp – ẢNH: QUỐC THÁI (ảnh chụp tại siêu thị Co.opXtra Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức)

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, để khơi thông vốn tín dụng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là kích cầu tiêu dùng để người dân sẵn sàng chi tiêu, muốn chi tiêu. Tuy nhiên điều kiện quan trọng là cần có sự cải thiện thu nhập cho người dân, tăng niềm tin của họ vào triển vọng của nền kinh tế. Các chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô phụ thuộc vào sự điều hành Chính phủ và NHNN nhưng cũng phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới ổn định thì kinh tế vĩ mô của Việt Nam mới vận hành ổn định được. Ngân hàng cũng cần có chính sách năng động hơn như giảm lãi suất, giảm các thủ tục không cần thiết.

Ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc NHNN – cho biết năm 2024, NHNN sẽ hành động kịp thời, phù hợp hơn để tín dụng tạo đòn bẩy lớn cho nền kinh tế. Hiện các ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn duy trì lãi suất cao, khả năng suy thoái kinh tế nhẹ có thể xảy ra, tác động tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng là 15%. Nếu tổ chức tín dụng nào đã đạt đủ chỉ tiêu 15% nhưng vẫn có khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, vẫn đảm bảo an toàn hệ thống, điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì NHNN sẽ giao thêm hạn mức.

“NHNN đã có nhiều giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh nhưng do nhiều khách hàng cá nhân, DN không có khả năng trả nợ nên nợ xấu ngân hàng đến nay là gần 5%. Nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024 là quyết liệt xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, đẩy mạnh công tác xử lý thu hồi nợ” – ông Đào Minh Tú nói.

Về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023, ông Đào Minh Tú cho biết, thông tư này sẽ hết hiệu lực thi hành vào ngày 30/6/2024 nhưng nếu nền kinh tế, DN vẫn cần chính sách hỗ trợ này thì trước ngày hết hiệu lực khoảng 3 tháng, NHNN sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục kéo dài hiệu lực.

Để đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, NHNN sẽ sơ kết gói tín dụng 20.000 tỉ đồng dành cho công nhân vay với lãi suất thấp. Gói này lấy từ nguồn vốn của 2 công ty tài chính, đã giải ngân hơn 9.000 tỉ đồng. Nếu gói tín dụng này đạt hiệu quả tốt thì sẽ được mở rộng sang các ngân hàng thương mại để tăng lượng người tiếp cận, giúp người dân tránh xa các tổ chức tín dụng “đen”. 

Theo Báo Phụ nữ TP.HCM