Từ cuối năm 2023 đến nay, thị trường vàng trong nước có nhiều biến động, các cơ quan quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp để bình ổn giá vàng. Trong đó, bán vàng theo giá niêm yết của Nhà nước được đánh giá là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây chỉ là tạm thời, việc quan trọng hiện nay là cần sửa gấp Nghị định 24 để quản lý, vận hành thị trường vàng.
Áp dụng nhiều biện pháp nhưng thị trường vàng vẫn “bất ổn”
Theo phân tích của PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), từ tháng 12.2023 đến nay, giá vàng thế giới liên tục tăng khiến giá vàng trong nước tăng theo. Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại tăng theo một cách bất thường.
Sự bất thường thể hiện ở chỗ, có ngày mức giá thay đổi đến 20 lần và khoảng cách giữa giá mua và giá bán lên đến 3-4 triệu đồng/lượng, đặc biệt là có lúc giá tăng đến 2 triệu nhưng có lúc lại giảm đến 3 triệu, giá lên thẳng đứng rồi tụt xuống rất nhanh. Và sự bất thường nữa là chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước ở mức rất cao, có thời điểm chênh lệch đến 20 triệu đồng/lượng.
Trước tình hình đó, Thủ tướng đã ra công điện và rất nhiều văn bản, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan chức năng phải bình ổn thị trường vàng. NHNN đã dùng rất nhiều biện pháp như thanh tra, kiểm tra, tổ chức đấu thầu, bán 1,8 tấn vàng ra thị trường. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng vẫn ở mức rất cao.
NHNN đã chuyển sang phương thức khác là giao cho 4 ngân hàng thương mại của Nhà nước và Công ty SJC bán vàng theo giá quy định của Nhà nước. Trước thực trạng đó, cho đến nay đã thu hẹp được khoảng cách giá vàng trong nước so với thế giới, hiện mức chênh chỉ còn ở khoảng 5 – 6 triệu đồng/lượng. “Vì vậy, người dân đã đội nắng đội mưa, xếp hàng chen chúc đi mua vàng, nhưng không mua được vàng”.
Vị chuyên gia cũng nhận định, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì người dân sẽ tập trung đầu tư vào vàng, vàng vật chất sẽ rất lớn trong dân, không đầu tư vào sản xuất, không chuyển vàng thành tiền sẽ gây lãng phí rất lớn.
“Trong khi đó, nhu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu ngoại tệ để nhập nguyên liệu đầu vào rất cao, mà vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. Nếu đáp ứng một cách vô hạn nhu cầu, thị hiếu, phong trào mua vàng theo đám đông sẽ gây hệ luỵ như vậy”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Giảm giá vàng chỉ là giải pháp tạm thời, cần sửa gấp Nghị định 24
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, trước tình hình thị trường bất ổn, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng biện pháp đấu thầu vàng, hiện nay tiếp tục sử dụng biện pháp bán vàng theo giá quy định của Nhà nước, sát với giá vàng thế giới. Có nghĩa là kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Ông Long cho rằng, nếu để chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới ở mức cao sẽ kéo đến những hệ luỵ như buôn lậu vàng, nhà nước thất thoát nguồn ngoại tệ, làm thất thu ngân sách Nhà nước, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, cơ quan quản lý đã có chỉ đạo kéo giá vàng trong nước sát giá vàng thế giới, đây là biện pháp tương đối có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Ngô Trí Long, biện pháp này nếu kéo dài mãi sẽ dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế khi để một lượng tiền lớn không phục vụ sản xuất mà nằm im trong dân. Vì vậy, việc bán vàng theo giá niêm yết của Nhà nước chỉ là biện pháp ngắn hạn để kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới, về lâu về dài biện pháp này sẽ khiến nền kinh tế bị vàng hóa.
“Vì vậy, tôi cho rằng cơ quan quản lý phải sửa gấp Nghị Định 24. Bởi Nghị định 24 hiện đang có rất nhiều bất cập, có những cái không phù hợp với quy luật của thị trường và không phù hợp với thông lệ quốc tế mới dẫn đến hậu quả như vậy”- ông Long nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế – cũng nhận định cần sớm sửa đổi Nghị định 24. Trong đó, giải pháp quan trọng là cần phải cho phép tăng lượng cung vàng để phù hợp với nhu cầu của người dân và các gia đình ở Việt Nam. Bằng cách cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, tiêu chí đáp ứng điều kiện để có thể nhập khẩu vàng vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần loại bỏ thương hiệu quốc gia độc quyền SJC, bởi thương hiệu này cũng không khác nhiều so với các thương hiệu khác, nhưng chênh lệch giá so với các thương hiệu khác khá cao.
Ngoài ra, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đảm bảo công khai minh bạch. Đồng thời phải tăng cường hợp tác quốc tế, để vừa chống buôn lậu vàng, cũng như việc đảm bảo cung – cầu để thị trường vàng liên thông tốt hơn nữa trong thời gian tới.