Để có thể tạo ra nền kinh tế tự chủ theo định hướng của Đảng và Nhà nước, cần thiết xây dựng được các đầu tàu kinh tế có tính dẫn dắt, cùng với đó là các cơ chế, hành lang phù hợp.
Đây là chia sẻ của ông Trần Bá Dương – Đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) tại phiên họp Hội đồng ngày 8/3 về xây dựng và triển khai Chương trình công tác năm 2024.
Ông Trần Bá Dương cho biết, khi Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam được thành lập, mỗi thành viên sẽ thấy có trách nhiệm, áp lực là làm sao phát triển tốt doanh nghiệp của mình và sự gương mẫu của doanh nhân hàng đầu. Đồng thời, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tạo ra môi trường tham vấn góp ý cho Đảng và Nhà nước về các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh sớm trở thành các doanh nghiệp hàng đầu.
“Áp lực và nhiệm vụ này, ở một mức nào đó có sự tương tác và là động lực không chỉ thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp do cá nhân mình làm chủ, phát triển vai trò doanh nhân từ bản thân, mà còn là khát vọng gắn kết phát triển, lan tỏa tới cộng đồng để có thêm nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong hàng ngũ lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam hiện nay”, ông Dương chia sẻ.
Theo ông Dương, nền kinh tế trong thời gian qua có sự phát triển, nhưng việc định hình thế mạnh, chiến lược, định hướng tương lai của các doanh nghiệp hiện nay cũng cần được nhìn nhận và xem xét lại, bởi, bối cảnh hội nhập không chỉ cạnh tranh vươn ra thị trường nước ngoài mà còn cả cạnh tranh tại thị trường trong nước… vì vậy, muốn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, bền vững, cần phải có sự hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay, không ít các tổ chức cộng đồng doanh nghiệp ngành vẫn ở mức độ phong trào, so với các nước và bản chất hoạt động của các tổ chức này, chưa thể tạo ra được những dấu ấn, định hướng đậm nét trong hoạt động. Vì vậy, với vai trò là tổ chức chính danh ở mức độ tự nguyện, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, VCCI cần có những giải pháp hỗ trợ, dẫn dắt để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.
“Ở vai trò đồng Chủ tịch, tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung quy chế Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã đề xuất, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến trách nhiệm vai trò của các thành viên Hội đồng trong hoạt động. Cùng với đó, định hướng Chương trình công tác năm 2024 mà Hội đồng đã đưa ra cũng rất phù hợp với bối cảnh hoạt động doanh nghiệp hiện nay, khi đạt được những định hướng đề ra sẽ đem đến những tác động nhất định. Như chương trình công tác báo chí và truyền thông, ngoài việc có thể tạo ra những tác động nhất định trong khuôn khổ, định hướng của Hội đồng cũng sẽ tạo ra những mức độ ứng xử phù hợp của doanh nghiệp với báo chí, truyền thông để tạo sự lan tỏa…”, ông Dương chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, sau khi có quy chế, có phương hướng hoạt động, bước tiếp theo cần tính tới việc mở rộng hoạt động của hội đồng, lan tỏa nhiều hơn đến cộng đồng doanh nghiệp, để tạo động lực phát triển ngày một gia tăng các doanh nghiệp hàng đầu. Từ nền tảng đó, đóng góp chung vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Cũng theo ông Dương, dù được Đảng và Nhà nước kỳ vọng, nhưng để có thể tạo ra những tác động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững thì cần xây dựng được các đầu tàu kinh tế có tính dẫn dắt. Thực tế cho thấy, qua cuộc khủng hoảng vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng, vì vậy, để cùng vực dậy nền kinh tế, cũng như hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh này cũng cần tạo cơ chế hành lang để các doanh nghiệp hàng đầu dẫn dắt.