Cần Thơ vươn ra biển lớn, cơ hội bứt phá từ siêu cảng Trần Đề

Thành phố mới sẽ sở hữu 72km bờ biển và cảng Trần Đề, hứa hẹn tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho kinh tế – xã hội toàn vùng ĐBSCL.

Kể từ 1.7.2025, TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng chính thức trở thành TP Cần Thơ mới. Việc hợp nhất được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho kinh tế – xã hội của toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó đáng chú ý là kinh tế biển.

Bờ biển Sóc Trăng nhìn từ ngoài khơi. Ảnh: Phương Anh

Chia sẻ với Báo Lao Động, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng – nhận định, TP Cần Thơ từ lâu đã giữ vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế, hành chính, giáo dục, thương mại, logistics của khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, thành phố này vẫn thiếu một điều kiện là phát triển kinh tế biển.

Ông Tâm cho rằng, khi sáp nhập địa giới hành chính với 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, Cần Thơ sẽ có 72km bờ biển trước đây thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng. Việc sở hữu đường bờ biển không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính mà còn là bước chuyển về chiến lược phát triển. Từ trung tâm nội địa, Cần Thơ có thể trở thành đô thị biển, mở ra không gian phát triển mới với các ngành như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch biển đảo đặc biệt là phát triển khu công nghiệp, dịch vụ logistics ven biển.

Ông Tâm cũng cho biết, cảng nước sâu Trần Đề đang là một trong những tâm điểm chiến lược phát triển của khu vực. Cảng được quy hoạch với quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp và container đến 100.000 DWT và tàu hàng rời đến 160.000 DWT.

“Trần Đề sẽ trở thành một trong những cảng biển trọng điểm ở phía Nam, vừa chia sẻ áp lực với cụm cảng TPHCM, Cái Mép – Thị Vải, vừa phục vụ trực tiếp xuất khẩu nông sản, thủy sản cho cả vùng ĐBSCL. Lâu nay, người dân khu vực này phải tốn nhiều chi phí vận chuyển, bài toán logistics này sẽ được giải quyết khi cảng Trần Đề đi vào hoạt động”, ông Tâm nhận định.

Thực tế cho thấy, một trong những lợi thế không thể không nhắc đến của Trần Đề là vị trí địa lý chiến lược: cảng nằm ngay cửa sông Hậu, tuyến giao thông thủy huyết mạch của toàn ĐBSCL giúp rút ngắn 80 – 100km so với việc trung chuyển qua TPHCM hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong bán kính 100 – 150km, Trần Đề có thể kết nối trực tiếp với toàn bộ các tỉnh ĐBSCL thông qua các trục giao thông chính như Quốc lộ 1A, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 60, Quản lộ Phụng Hiệp, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và các tuyến đường thủy quốc gia.

Cảng cũng nằm gần tuyến vận tải biển quốc tế từ Đông Nam Á đi các thị trường Mỹ, châu Âu, Đông Á mà không cần đi qua các vùng biển nội địa, tiết kiệm thời gian và chi phí logistics.

Phối cảnh bến cảng ngoài khơi cảng Trần Đề trong quy hoạch hệ thống cảng biển Sóc Trăng. Ảnh: Đơn vị thiết kế cung cấp

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt từ 30,7 – 41,2 triệu tấn, trong đó hàng container từ 0,97 – 1,36 triệu TEU. Lượng hành khách qua cảng ước hơn nửa triệu lượt. Hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ được phát triển đồng bộ với 6 bến cảng, gồm 16 – 18 cầu cảng, tổng chiều dài từ gần 2.700m đến hơn 3.400m. Phạm vi vùng đất và vùng nước cảng được xác định rõ ràng, phù hợp với nhu cầu phát triển giao thương và khai thác vận tải biển.

Quy hoạch đi kèm hàng loạt giải pháp đồng bộ, từ hoàn thiện cơ chế chính sách; huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; môi trường, khoa học và công nghệ đến tăng cường hợp tác quốc tế và giám sát thực hiện quy hoạch.

Một đề án có tính đòn bẩy cũng đang chuẩn bị triển khai là Đề án khai thác cát biển và Đề án thành lập Trung tâm Vận hành, quản lý khai thác cát biển. Hoạt động khai thác cát biển sẽ được triển khai tại huyện Trần Đề với quy mô khoảng 4.000ha, chia thành nhiều giai đoạn. Dự án có tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 54.000 tỉ đồng và nguồn thu kỳ vọng lên đến 56.000 tỉ đồng. Số tiền này sẽ phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng khu phức hợp công nghiệp, logistics, khu phi thuế quan và cảng nước sâu Trần Đề.

Tỉnh Sóc Trăng cũng đã quy hoạch 4.000ha đất cho mục tiêu này, bao gồm 1.000ha cho khu dịch vụ hậu cần, logistics và 3.000ha cho khu công nghiệp – dịch vụ hậu cần, logistics.

Theo Báo Lao Động