Canada – thị trường nhiều tiềm năng cho xuất khẩu

Canada hiện là một trong mười đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới, tính cả trung chuyển qua Hoa Kỳ. Sau gần 5 năm thực thi CPTPP, xuất khẩu sang địa bàn đã tăng hơn gấp đôi, từ mức 4,1 tỷ năm 2018 lên đến 9,9 tỷ năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp (DN) tận dụng được cơ hội về thuế quan để thâm nhập thị trường.

Thị trường Canada có nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ảnh: N.Hiền

Doanh nghiệp ngoại vẫn chiếm ưu thế

Theo Tổng cục Hải quan, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt trên 65% từ 3,9 tỷ USD năm 2019 lên 6,3 tỷ USD năm 2022. Các mặt hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng sang Canada gồm: sắt thép tăng 79%; máy móc, thiết bị điện tăng 36%; hàng may mặc và phụ kiện tăng 19%; giày dép tăng 11%; nội thất, đồ gỗ tăng 19%… Hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ bảy của Canada và Canada cũng là nước có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD.

Ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, có tới 60% sản phẩm XK Việt Nam sang Canada thuộc nhóm các DN FDI trong khi khu vực trong nước chủ yếu XK các mặt hàng gia công hoặc hàng thô không có thương hiệu riêng.

Phân tích nguyên nhân, ông Lăng chỉ rõ trước hết là do năng lực vận tải và logistics. “Như gạo, rau củ, quả Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm tương tự của Mỹ và các nước Nam Mỹ do vấn đề địa lý và vận chuyển. Hơn nữa, nhiều nước Nam Mỹ đã đầu tư mạnh phát triển cây ăn quả nhiệt đới tương tự Việt Nam như mít, xoài, chôm chôm, vải, thanh long… và đẩy mạnh XK vào Canada những tháng gần đây”, ông Lăng nêu dẫn chứng. Ngoài ra, hàng hóa thế mạnh của Việt Nam kém cạnh tranh về giá so với sản phẩm cùng loại đến từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Chile… Điều này xảy ra với nhóm hàng thủy sản ngay trong năm 2023 này khiến kim ngạch XK sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó Canada đã ký thêm nhiều FTA song phương và đẩy mạnh chính sách hướng về khối kinh tế Nam Mỹ cùng với những tiêu chuẩn cao về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải…

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Luật sư, Tổng giám đốc Công ty THHH Bách Luật cho biết, theo khảo sát của Thương vụ Việt Nam tại Canada, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng XK Việt Nam sang Canada vẫn chưa cao, mới đạt khoảng 18%; 81% hàng XK của chúng ta sang địa bàn vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN trong khi khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GPT và GSP. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng xuất khẩu Việt Nam qua 5 năm tăng đều (khoảng 4 tỷ USD), tức khoảng 60% sản phẩm của chúng ta được hưởng thuế CPTPP bằng 0 nhưng vẫn chưa được tận dụng trong khi mức độ chênh lệch về thuế giữa MFN với CPTPP hay giữa GSP với CPTPP khá lớn.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, hiện rào cản lớn nhất đối với DN XK Việt Nam vào thị trường Canada là quy tắc xuất xứ và những những rủi ro về thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá. Theo đó, một số lĩnh vực, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada có nguy cơ bị áp thuế chống phá giá hoặc xem xét gia hạn áp thuế chống phá giá như tấm pin năng lượng mặt trời, thép chống ăn mòn, ghế bọc đệm… Do vậy, để có thể tiếp cận thị trường, trước hết cần đảm bảo quy tắc xuất xứ, đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, lao động và các vấn đề bền vững.

Dựa vào thương mại điện tử làm bàn đạp xuất khẩu

Để hỗ trợ DN đẩy mạnh XK sang thị trường Canada, đại diện Bộ Công Thương thông tin, Canada có hơn 1/2 người tiêu dùng có độ tuổi từ 24 đến 65, 82% dân số sống ở thành thị; đặc biệt trong 20% dân số là người nhập cư 1/2 là người châu Á… “Người Canada có thói quen mua sắm nhiều và đa dạng, phương thức mua sắm trực tuyến ngày càng cao. Người tiêu dùng Canada không quá bảo thủ, 50% sẵn sàng thử sản phẩm mới từ một thương hiệu không quen thuộc”, ông Lăng nói.

Để đẩy mạnh XK sang thị trường Canada, theo ông Lăng, DN có thể sản xuất gia công, sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới là phương cách để các DN tiếp cận thị trường một cách bền vững và có đơn hàng ổn định. Nhiều mặt hàng của chúng ta đã có mặt ổn định ở các hệ thống siêu thị ở Canada nhờ chấp nhận sản xuất gia công theo nhãn hiệu của Canada, ví dụ như các sản phẩm nước dừa, tôm chiên bột hay nước mắm… Các chuyên gia cũng khuyến nghị DN Việt Nam nên đẩy mạnh XK các sản phẩm mới, riêng biệt, có tính sáng tạo cao, lựa chọn phân khúc nhóm hàng quần áo, giày dép, túi xách… do tính chất thị trường thay đổi nhanh, thị hiếu tiêu dùng còn nhiều tiềm năng và có biên độ lợi nhuận cao. Đồng thời, DN nên dựa vào thương mại điện tử làm bàn đạp XK sang thị trường này và có biện pháp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đang gia tăng.

Bà Bùi Thị Hoàn, Giám đốc Công ty cổ phần Thêu may Mỹ Đức cho hay trong bối cảnh xuất khẩu hàng may mặc gặp nhiều khó khăn, Canada là thị trường có nhiều tiềm năng. Từ những thông tin nắm bắt được, bà Hoàn hy vọng sẽ có cơ hội xuất khẩu hàng hóa của công ty mình tới thị trường này trong thời gian tới.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại – Thương vụ Việt Nam tại Canada, khai thác tốt CPTPP chỉ có thể thực hiện được khi mà DN của cả hai nước cùng hiểu để vận dụng, cùng có chiến lược tìm nguồn cung đầu vào tối ưu và có khả năng đáp ứng các quy tắc xuất xứ nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Hiện nay Việt Nam ngoài được hưởng ưu đãi CPTPP, chúng ta còn được hưởng cả ưu đãi theo form MFN và GSP. Kể cả thực hiện theo những ưu đãi này, nhiều mặt hàng của chúng ta vẫn được hưởng ưu đãi thuế bằng 0% nhưng các DN nhập khẩu Canada vẫn thích các DN Việt XK dưới form CPTPP. Bởi vì chính các nhà sản xuất Canada cũng quan tâm đến việc tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong chiến lược mua nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất để XK sang các thị trường mà cả Việt Nam và Canada cùng có FTA. Đây cũng là một vấn đề Thương vụ Việt Nam luôn cố gắng chia sẻ với các DN XK của Việt Nam cũng như các DN sở tại để gia tăng tận dụng, khai thác hiệu quả hơn Hiệp định CPTPP.

Theo Haiquanonline